(HNMCT) - Kết quả đo chỉ số UV (còn gọi là tia cực tím) ở Hà Nội những ngày qua nằm trong khoảng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tiếp xúc với tia UV ở mức độ mạnh nhất có thể bị cháy da, bỏng da cấp tính. Còn nếu tiếp xúc liên tục trong một thời gian dài có nguy cơ cao bị ung thư da, thậm chí có thể tử vong.
Tia cực tím - kẻ thù của làn da
Theo Bệnh viện Da liễu trung ương, mỗi năm bệnh viện điều trị cho khoảng 300 trường hợp ung thư da và con số này tăng khoảng 15% mỗi năm, trong đó tia UV là nguyên nhân chính gây nên bệnh này. Những người làm việc trong thời gian dài dưới ánh nắng mặt trời thì tỷ lệ ung thư da gấp 1-3 lần người bình thường.
Bác sĩ Lê Văn Thành, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho rằng, tia UV giúp tổng hợp vitamin D, kích thích mọi quá trình hoạt động trong cơ thể. Tuy nhiên, khi tầng ozon bị tác động, lượng tia cực tím chiếu xuống càng mạnh, có thể gây nhiều tác động tiêu cực tới con người. Trong những ngày nắng nóng, tỷ lệ tia UV rất cao, đặc biệt trong khoảng từ 10h - 15h. Tia UV có thể gây ung thư da, sạm da, bỏng da tùy theo mức độ. Quá trình viêm da, bỏng da, sạm da nếu kéo dài sẽ dẫn đến ung thư da. Vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời là dễ bị ung thư nhất như da mặt, da cổ, cánh tay.
Ung thư da nguy hiểm như thế nào?
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương), ung thư da đang có xu hướng gia tăng, trong đó ung thư da thể tế bào hắc tố là ác tính nhất. Có trường hợp người bệnh chỉ 6 tháng sau khi phát hiện bệnh đã tử vong. So với ung thư phổi, gan thì ung thư tế bào hắc tố cũng nguy hiểm không kém. Bình thường, khoảng 50% trường hợp ung thư tế bào hắc tố xuất hiện ở vùng da bình thường. Tuy nhiên, ung thư tế bào hắc tố có thể xuất phát từ những tổn thương sắc tố và phổ biến nhất là nốt ruồi, bớt sắc tố bẩm sinh.
Bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) lưu ý, phần lớn bệnh nhân ung thư da nhập viện khi đã biến chứng nặng như hoại tử ngón chân, ngón tay, buộc phải tháo khớp. Có những bệnh nhân ban đầu chỉ là một nốt ruồi nhỏ hay cục thịt trên mặt nhưng chủ quan, nghĩ là bình thường, đến khi nhập viện thì khối u đã di căn, phải khoét bỏ một mắt và cả vùng mũi.
Mặc dù vậy nhưng bệnh ung thư da hiện chưa được quan tâm, rất nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này. Phần lớn lầm tưởng đó chỉ là nốt ruồi hoặc mảng da, bớt bình thường trên cơ thể. Do chủ quan nên nhiều người không đi thăm khám tại cơ sở y tế mà tự ý chữa trị, đắp các loại thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc, gây viêm nhiễm nặng.
Bác sĩ Phạm Cao Kiêm khuyến cáo, khi thấy trên da có nổi u, cục nhìn như nốt ruồi hoặc xuất hiện các mảng da màu bất thường, có dấu hiệu lan rộng, phát triển theo thời gian (dù là tiến triển chậm), sờ thấy rát, cứng thì cần nghĩ đến bệnh ung thư. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư da có thể di căn vào bất cứ tổ chức nào trong cơ thể như não, gan, thận..., nhất là ung thư da thể tế bào gai, u sắc tố thì dễ di căn qua đường bạch mạch (mạch bạch huyết), qua máu, phá hủy các tế bào của cơ thể người bệnh, khả năng tử vong cao. Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Che nắng vẫn chưa đủ
Để hạn chế nguy cơ ung thư da, nhất là vào mùa hè, mọi người cần bảo hộ cho da như mặc quần áo dài tay, bôi kem chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính chống nắng; hạn chế ra ngoài đường khi trời nắng gắt... Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho rằng, nhiều người có quan niệm sai lầm trong việc chống nắng khi cho rằng chỉ cần che chắn là đủ hoặc khi trời râm mát không cần chống nắng, nhưng thực tế ngay cả trời râm cũng cần chống nắng. Bởi vì tia UV có trong ánh nắng mặt trời, ngay cả khi không cảm thấy nắng thì tia UV vẫn tấn công con người một cách vô hình và lặng lẽ.
Nếu chỉ chống nắng bằng đội mũ, đeo khẩu trang thôi vẫn chưa đủ mà cần sử dụng kem chống nắng. Việc sử dụng kem chống nắng đúng cách, đủ liều lượng và số lần bôi rất quan trọng. Bôi không đủ liều, không lặp lại thì chống nắng không còn tác dụng. Lượng kem chống nắng đủ theo khuyến cáo là 2mg/cm2. Cần bôi trước khi ra ngoài khoảng 30 phút, không đợi sát giờ ra ngoài mới bôi kem chống nắng và sau 2-3 tiếng lại bôi kem chống nắng một lần.
Theo bác sĩ Đinh Hữu Nghị, khi chỉ số UV cao lên tới 10 thì nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 +++ trở lên, kem chống nắng cần chống được cả tia UVA và UVB... Ngoài ra, quan niệm cứ mặc áo dài, đội mũ nhưng áo, mũ không đủ dày, không đúng màu sắc thì việc cản tia UV cũng không có tác dụng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc đeo kính râm không chỉ bảo vệ mắt mà còn bảo vệ da. Bởi vì khi ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt qua cơ chế sinh học, cơ thể sinh ra các sắc tố melamin gây sạm da nên việc đeo kính râm cũng có tác dụng giảm tăng sắc tố trên da.
Tuy nhiên, kính râm phải bảo đảm chống tia UV vì kính đen bình thường vẫn không có tác dụng. Ngay cả khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt cũng nên dùng kem chống nắng và kính râm do tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước, bề mặt nước, cát gây hại cho da. Bên cạnh đó, vào những ngày nắng nóng cần uống đủ nước, ăn rau củ quả tươi để góp phần bảo vệ làn da.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.