Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác nguy cơ cháy rừng

Hoàng Sơn| 25/06/2021 06:23

(HNM) - Trong mùa hè với những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài có nền nhiệt lên tới 40-42 độ C dẫn đến nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp IV), đòi hỏi công tác phòng, chống cháy rừng phải được đặt lên hàng đầu. Để giảm số vụ cháy và hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã triển khai tới người dân và chủ rừng nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng.

Lực lượng chức năng phối hợp diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì).

Chủ quan là… cháy rừng

Từ đầu năm 2021 đến nay, tại huyện Ba Vì xảy ra 4 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 2,5ha. Nguyên nhân dẫn đến cháy rừng chủ yếu là một số người dân sử dụng lửa bất cẩn... Tương tự, trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng xảy ra 6 vụ cháy, thiêu rụi hơn 8,5ha rừng. Trong đó, vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 2 và 3-1 tại xã Minh Trí và xã Bắc Sơn, gây thiệt hại 7,3ha rừng phòng hộ. Gần nhất vào ngày 19-6, cháy rừng đã xảy ra tại xã Nam Sơn, rất may được dập tắt kịp thời nên chỉ gây thiệt hại khoảng 200m2.

Nói về khả năng xảy ra cháy rừng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, trên địa bàn huyện có 4.557ha rừng, phần lớn là rừng trồng thuần loài, có độ che phủ cao, thảm thực vật dày 0,3-0,5m, khô nỏ, cây bụi rậm rạp dễ bắt lửa. Đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, chỉ cần người dân chủ quan, sơ ý trong sử dụng lửa là có thể gây cháy rừng.

Từng tham gia trong đội xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng nhiều năm, ông Trần Xuân Vĩnh ở xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, khoảng 80% số vụ cháy rừng xảy ra vào ban đêm nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, người dân vào rừng sử dụng lửa gây cháy nhưng không có kỹ năng, thiếu dụng cụ dập lửa khiến đám cháy lan rộng, khi lực lượng chức năng phát hiện rất khó dập tắt, gây hậu quả lớn.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Nguyễn Tiến Lâm cho biết, điều đáng lo lắng là chính quyền một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ, còn ỷ lại, coi công việc quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm nên chậm triển khai phối hợp. Đến khi xảy ra cháy rừng, có đại diện xã lại biện minh do sơ ý, chủ quan, khó huy động lực lượng tham gia chữa cháy... "Trong khi đó, cháy rừng để lại hậu quả rất lớn, lâu dài như: Làm xói mòn đất, sạt lở núi, gây lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão. Để phủ xanh diện tích rừng bị cháy mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí có những khu rừng phải 40-50 năm sau mới khôi phục được…”, ông Nguyễn Tiến Lâm trăn trở.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng cho học sinh trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tháng 10-2020. Ảnh: Đức Duy

Chủ động "4 tại chỗ"

Để nâng cao ý thức bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng cho người dân các huyện, thị xã có rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp như: Lập danh sách 33 trọng điểm có nguy cơ cao về cháy rừng để tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, ứng trực 24/24 giờ; tập huấn nghiệp vụ phòng, chống cháy rừng cho 1.000 người; tổ chức tuyên truyền lưu động đến từng thôn, khu dân cư. Bên cạnh đó, hằng năm chi cục còn phối hợp với ngành Giáo dục phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông của 7 huyện, thị xã có rừng… Ở khu vực rừng giáp ranh các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội ký biên bản liên kết cùng lực lượng chức năng các tỉnh tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng và quản lý bảo vệ rừng.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho rằng: “Muốn bảo vệ rừng phải dựa vào dân, bởi chỉ có người dân tại địa phương có rừng mới hiểu rõ đặc điểm, địa hình để tiếp cận đám cháy nhanh nhất, dập lửa không cho cháy lan, cháy lại… Do vậy, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống cháy rừng cho người dân các thôn, bản và thành lập các tổ xung kích bảo vệ rừng…”.

Để hạn chế nguy cơ cháy rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đề xuất, các huyện, thị xã có rừng cần tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, trong đó chú trọng đến chính sách nâng cao đời sống người dân làm nghề rừng, người dân sinh sống trong khu vực gần rừng. Như vậy, người dân sẽ gắn bó với rừng, chủ động tham gia bảo vệ rừng. Mặt khác, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi sử dụng lửa bất cẩn gây cháy rừng để tăng tính răn đe.

Hiện tại, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đang đề nghị thành phố trang bị phương tiện chuyên dùng cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng theo tiêu chuẩn định mức. Đồng thời, đề xuất thành phố tăng nguồn kinh phí hỗ trợ lực lượng trực chòi canh lửa rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng và tăng thù lao cho lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng...

Cảnh giác và chủ động các biện pháp đề ra, chắc chắn công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trên địa bàn Thủ đô sẽ có chuyển biến tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác nguy cơ cháy rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.