(HNM) - Ngày 6-5, khu vực Hà Nội có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 37 độ C.
Theo dự báo, trong ngày hôm nay (7-5) tiếp tục xảy ra nắng nóng, với nền nhiệt cao nhất phổ biến 35-37 độ C. Đến ngày 8 và 9-5, nắng nóng tại khu vực thành phố Hà Nội đạt mức gay gắt, nhiệt độ tăng thêm và đạt mức phổ biến 36-39 độ C... Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, đợt nắng nóng này còn kéo dài đến ngày 10-5.
Trong các ngày xảy ra nắng nóng (từ ngày 7 đến 9-5), chỉ số tia cực tím (UV) ở thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đạt ngưỡng gây hại rất cao, độ ẩm trong không khí rất thấp, khoảng 30-35%...
Trước tình trạng trên, bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, nắng nóng kéo theo chỉ số UV cũng tăng cao gây hại cho da, nếu người dân tiếp xúc trực tiếp với nắng trong thời gian dài. Cụ thể, tia UVA là nguyên nhân gây lão hóa da, gây ra các vết nhăn và nám trên da; còn tia UVB làm đen da, cháy nắng, ung thư da.
Do đó, ngoài các biện pháp chống nắng bằng mặc quần áo, đội mũ rộng vành, đeo kính chống nắng..., thì người dân cần chú ý bôi kem chống nắng. Nên chọn kem chống nắng chống được cả tia UVA và UVB. Khi dùng phải bảo đảm lượng kem chống nắng vừa đủ. Nếu dùng thiếu, làn da không có tác dụng bảo vệ tối ưu, dùng quá nhiều sẽ gây lãng phí, đồng thời gây bít dính làn da, dễ nổi mụn. Nên dùng kem chống nắng trước 15-20 phút khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và cứ sau 2-3 giờ phải bôi lại kem chống nắng.
Còn theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giác mạc hấp thu hầu hết các bức xạ UV, gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm, viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng thịt... Do đó, nên sử dụng mũ rộng vành và kính râm thường xuyên. Ngoài ra, nên hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian từ 10h đến 16h hằng ngày, vì đây là thời gian tia UV hoạt động cao điểm nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.