Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác chiêu trò "thổi giá" đất

Dung - Dương| 11/01/2022 06:12

(HNM) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nên hiện nhiều người lựa chọn bất động sản làm kênh đầu tư. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, không chỉ giá đất ở khu vực nội thành lên “cơn sốt” mà một số nơi ngoại thành Hà Nội đang trở thành “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư. Trong bối cảnh này, người dân cần cảnh giác với các chiêu trò “thổi giá” đất của người môi giới.

Nhà đầu tư tìm hiểu một mảnh đất tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Ảnh: Nguyễn Kiên

Đất ở cả nội thành và ngoại thành đều tăng giá

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, trong những ngày đầu năm 2022, các phân khúc đất nền, nhà chung cư… đều có xu hướng tăng hơn trước. Nhiều người đổ xô tìm hiểu, trong khi lực lượng môi giới làm việc hết công suất. Tại quận Bắc Từ Liêm, theo anh Trần Anh Nam, một môi giới bất động sản cho biết, hầu hết đất nền trên địa bàn quận đều tăng giá. Cụ thể, tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm), một mảnh đất ở mặt đường Tân Phong diện tích 38m2, đang rao bán giá 2 tỷ đồng, tương đương 53 triệu đồng/m2, trong khi trước đây chỉ 30 triệu đồng/m2. Tương tự, tại khu đất đấu giá 2,5ha Phúc Diễn (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), tại thời điểm đấu giá cuối năm 2020 có giá khoảng 60 triệu đồng/m2, nhưng nay đã tăng lên 80-110 triệu đồng/m2.

Không chỉ đất ở, việc mua, bán đất nông nghiệp cũng khá sôi động. Chị Nguyễn Thu Hương (đường Phú Kiều, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Vừa qua, tôi có hỏi mua đất nông nghiệp tại phường Minh Khai. Những tưởng giá chỉ vài triệu đồng/m2 nhưng một “cò đất” đã báo giá lên đến 20 triệu đồng/m2. Tôi giật mình đành từ bỏ ý định mua đất nông nghiệp”.

Khảo sát thực tế tại các xã Ba Trại, Ba Vì, Tản Lĩnh của huyện Ba Vì cũng cho thấy, giao dịch chuyển nhượng đất ở đây khá sôi động. Anh Trần Mạnh (phường Phú La, quận Hà Đông) cho biết, anh đã tìm hiểu một mảnh đất rao bán tại thôn 7, xã Ba Trại. Mảnh đất nằm ven tỉnh lộ 414, diện tích 329m2, nhưng chỉ có 60m2 đất ở, còn lại là đất vườn nhưng giá rao bán lên đến 2 tỷ đồng. So với đầu năm 2021, giá mảnh đất này cao hơn hàng trăm triệu đồng.

Trong khi đó, tại huyện Quốc Oai, giao dịch chuyển nhượng đất ở các xã Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ, Cấn Hữu cũng diễn ra tấp nập. Tại thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ), đất trong ngõ đường rộng khoảng 1,2-1,5m, chỉ đi được xe máy, có giá 24 triệu đồng/m2; đường đi được ô tô, giá 32-36 triệu đồng/m2; đất trên mặt đường trục chính của xã Ngọc Mỹ, giá 45-50 triệu đồng/m2. Riêng khu đất đấu giá tại thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ), giá nhà đầu tư trúng đấu giá là 30-90 triệu đồng/m2 tùy vị trí thửa đất, nhưng nay bán ra đã tăng thêm 3-7 triệu đồng/m2. Nếu như so với thời điểm giữa năm 2021, giá chuyển nhượng đất ở xã Ngọc Mỹ hiện tăng 20-30%.

Hướng dẫn các thủ tục giao dịch chuyển nhượng đất tại Văn phòng công chứng Toàn Tâm, thị trấn Quốc Oai  (huyện Quốc Oai). Ảnh: Nguyễn Kiên

Cần cẩn trọng khi đầu tư 

Khi nhu cầu tìm mua đất tăng cũng là lúc nhiều đối tượng lợi dụng, đưa thông tin không chính xác để lừa đảo, “thổi giá” đất. Như trường hợp rao bán đất ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì), qua mạng xã hội, người bán giới thiệu cho phóng viên một khu đất nằm ven hồ Suối Hai (xã Ba Trại) đã chia lô với diện tích mỗi thửa 60m2, giá rao bán 800 triệu đồng/thửa. Cùng với đó là hình ảnh của khu đất có mặt tiền nhìn ra hồ Suối Hai, phía sau là con suối nhỏ và núi… Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển cho hay, địa bàn xã có thôn 6 và thôn 7 nằm ven hồ Suối Hai, nhưng chủ yếu là nhà dân. Hiện ở khu vực này và toàn địa bàn xã không có dự án phân lô đất đai làm nhà ở. “Để tránh xảy ra tình trạng “sốt giá đất” ảo, xã đã quán triệt cán bộ UBND xã, cán bộ thôn tuyên truyền tới người dân, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thông tin chính thống cho người có nhu cầu mua, bán đất”, ông Hoàng Văn Chuyển khẳng định.

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Văn Hòa, khi có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực đất đai, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan, căn cứ pháp lý về thửa đất để tránh rủi ro. Đặc biệt, người dân phải cẩn trọng trước tình trạng “cò đất” thổi giá một cách vô căn cứ. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Văn Vinh, để tránh bị “thổi giá”, người dân cần tiếp cận chính quyền địa phương để tham khảo thông tin chính xác về thửa đất; đặc biệt, phải xác minh rõ nguồn gốc đất để tránh xảy ra tranh chấp không đáng có.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thực tế có tình trạng nhiều dự án đất nền giá cao nhưng giao dịch rất thấp. Chẳng hạn, đất ở một số huyện mà có giá cao như đất khu vực nội thành thì các nhà đầu tư cần cân nhắc khi giao dịch. Cũng theo ông Đính, người có nhu cầu mua đất để ở cần tìm các chủ đầu tư uy tín, khu đất có giá hợp lý, đáp ứng tính pháp lý, không nên đổ xô mua bán theo lời “cò đất” đưa đẩy thông tin.

Trước thực tế hiện nay, người dân có nhu cầu về đất đai cần cẩn trọng, cảnh giác với các chiêu trò “thổi giá” của người môi giới, từ đó góp phần làm lành mạnh thị trường bất động sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác chiêu trò "thổi giá" đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.