(HNM) - Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, khói bụi, nóng bức, bể bơi công cộng quá tải… là nguyên nhân làm gia tăng những bệnh về mắt trong mùa hè.
Dễ đau mắt đỏ khi bể bơi quá tải
Nắng nóng kéo dài như hiện nay, thì bơi lội trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình. Lý do đó khiến không ít bể bơi trên địa bàn Hà Nội luôn rơi vào tình trạng quá tải. Nước không đủ sạch vì phải chứa lượng người quá lớn dẫn đến dễ lây nhiễm bệnh ngoài da, viêm tai…, nhất là viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ).
Anh Nguyễn Văn Mạnh (38 tuổi ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, anh cho con gái đi bơi được hơn 2 tuần thì mắt phải của bé có hiện tượng ngứa, đỏ và đùn ra rất nhiều gỉ. Từ mắt phải, chỉ sau một ngày, hiện tượng sưng đỏ, bịt kín gỉ đã lan đều sang cả hai mắt. Khi đi khám bác sĩ cho biết, con tôi bị đau mắt đỏ…
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám mắt cho một bệnh nhi. |
Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thường xuyên tiếp nhận các trường hợp (cả trẻ em và người lớn) bị viêm kết mạc. Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm kết mạc là việc mắt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng.
Chính nước hồ bơi không bảo đảm vệ sinh là môi trường lý tưởng của vi khuẩn Chlamydia trachomatis - tác nhân gây bệnh viêm kết mạc. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt.
Ngoài ra, viêm kết mạc cũng có thể do hóa chất, các loại vi khuẩn khác có trong nước hồ bơi không bảo đảm các điều kiện vệ sinh, nhất là tại các hồ bơi thường xuyên quá tải. Chưa kể, nước hồ bơi có thể chứa những chất thải do một số người kém ý thức thải ra như khạc nhổ, nước mũi, thậm chí tiểu tiện trong hồ bơi khiến mầm bệnh phát triển, lây lan.
Ngoài những ca bệnh trên, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng tiếp nhận một số bệnh nhân bị dị ứng mắt do khói bụi. Theo bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, nhiệt độ cao trong mùa hè kèm theo ô nhiễm môi trường khiến mắt phải tiếp xúc với ánh mặt trời và bụi nhiều hơn, làm tăng nguy cơ dị ứng mắt. Tình trạng dị ứng có thể gây ngứa, đỏ mắt kèm theo cảm giác nóng rát. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết gỉ với các đặc điểm như: Màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương đưa ra cảnh báo, những người thường xuyên phải làm việc với máy móc, thiết bị điện tử còn dễ gặp phải hội chứng khô mắt rất phổ biến trong mùa hè. Hiện tượng khô mắt xuất hiện là do sự gia tăng nhiệt độ trong mùa hè và môi trường làm việc có điều hòa dẫn đến mất nước rất nhanh ở các bộ phận cơ thể, bao gồm cả mắt.
Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng cho thấy, việc tiếp xúc với tia cực tím (UV) góp phần làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng ở mắt. Tổn thương ở mắt có thể là tức thời hoặc lâu dài sau khi hấp thụ tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Đối với kết mạc, giác mạc sự tiếp xúc với tia cực tím có cường độ quá mạnh có thể gây bỏng giác mạc với các triệu chứng như cộm, khó chịu, đỏ mắt, chói mắt, chảy nước mắt…
Đừng quên bảo vệ đôi mắt
Theo bác sĩ Hoàng Cương, trước thời tiết nắng nóng của mùa hè, nhiều người chỉ chú ý đến việc bảo vệ làn da, bảo vệ sức khỏe nhưng thường quên bảo vệ đôi mắt. Trong khi việc phòng, chống các bệnh về mắt trong mùa hè lại rất quan trọng. Một số bệnh về mắt hay chấn thương mắt có thể để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy khi mắc bệnh, cần điều trị dứt điểm và có biện pháp phòng ngừa.
Bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo, việc đầu tiên phải thường xuyên và tạo thành thói quen, đó là vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch. Khi bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt.
Ngoài ra, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng, nhất là vào buổi trưa như đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng, đeo kính râm chống tia UV... Riêng với trẻ nhỏ, cách phòng tránh tốt nhất là không để trẻ ra ngoài trời nắng vào buổi trưa, bị chiếu nắng trực tiếp, đồng thời luôn cho trẻ đeo kính, đội mũ bất cứ khi nào khi ra nắng.
Để hạn chế các tác nhân gây bệnh cho mắt, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên cho rằng, khi bơi ở các địa điểm công cộng không nên bơi quá lâu. Mặt khác, khi bơi nên dùng kính bảo vệ mắt. Sau khi bơi xong nên dùng nước muối sinh lý nhỏ và rửa mắt tại chỗ, đồng thời sục và rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý sau đó mới đi tắm lại.
Khi có các dấu hiệu mắt đỏ, cộm, ra nhiều gỉ, nhức khi nhìn ánh sáng, chảy nước mắt nhiều, nhìn mờ, sợ ánh sáng... nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm tìm đúng nguyên nhân, tránh tự ý mua thuốc nhỏ mắt về điều trị. Nếu xung quanh có người bị đau mắt đỏ thì cần đề phòng bằng cách tránh tiếp xúc gần, không dùng chung chậu rửa, khăn mặt, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.