Thời gian gần đây, nhiều người dân bị kẻ gian dàn cảnh đụng xe, va chạm để lấy trộm, cướp giật tài sản gây hoang mang.
Thủ đoạn trà trộn vào đám đông, chen lấn móc túi lấy tài sản được xem là mánh khóe cũ rích. Hiện bọn tội phạm dàn dựng lên những kịch bản trộm cướp mới lạ, bất ngờ, có thể “ăn hàng” bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.
Hình ảnh băng nhóm dàn cảnh đụng xe đang gây án - Ảnh: Nguyên Bảo |
Đủ chiêu trò
Một trong những thủ đoạn là dàn cảnh xô đẩy đồng bọn ngã vào người nạn nhân, lợi dụng lúc mất tập trung, kẻ gian móc túi, giật tài sản của nạn nhân, tẩu thoát. Băng nhóm này thường đi hơn 5 người trở lên, mỗi người được phân chia một nhiệm vụ. Chúng tỏ ra rất tinh ranh, nếu phát hiện tài sản của nạn nhân để bên phải là cố tình va chạm bên trái, khi nạn nhân quay sang bên trái chưa hiểu chuyện gì thì đồng bọn áp sát bên phải nhanh như chớp móc, giật tài sản tẩu thoát. Với thủ đoạn này, trước đây, băng nhóm của Mai “khủng” (ngụ Q.4, có nhiều tiền án tiền sự, đã bị bắt) tung hoành ở trung tâm thành phố, trong đó đa số nạn nhân là du khách.
Không chỉ đóng vai côn đồ, kẻ gian còn dựng lên “kịch bản” đóng giả người tốt bụng giúp đỡ người say xỉn chẳng may té ngã, rồi chiếm đoạt tài sản. Phát hiện “con mồi” gặp nạn hoặc dừng lại đi tiểu, băng nhóm này đóng giả người đi đường đến dìu người say xỉn, dắt xe vào lề đường, lau mặt, hỏi thăm sức khỏe, xin số điện thoại rồi làm động tác giả gọi cho người thân nạn nhân; sau đó lấy xe hoặc lột sạch tài sản nạn nhân rồi tẩu thoát. Trước đây, nhiều người đi đường về khuya cũng bị băng nhóm dàn cảnh cố tình va quệt xe với nạn nhân, lao vào đánh hội đồng rồi cướp xe gắn máy tẩu thoát.
|
Chiêu gây “cảm giác” hơn là thủ đoạn đóng giả gái mại dâm bóp vào “chỗ hiểm” nạn nhân để móc lấy ĐTDĐ, ví tiền. Nhóm này tập trung đa số tay anh chị, có nhiều tiền án tiền sự. Bọn chúng canh trước nhà hàng, quán bar ở khu trung tâm săn mồi. Phát hiện du khách say xỉn, bọn chúng cho đối tượng nữ mặc áo quần hở hang, hoặc giả gái mại dâm gạ gẫm đi chơi, massage, sau đó chủ động bóp vào chỗ hiểm của nạn nhân, tay còn lại nhanh chóng móc lấy tài sản chuyển cho đồng bọn ở gần đó tẩu thoát bằng xe gắn máy chờ sẵn.
Ngoài các chiêu trò nói trên, người dân ra đường còn đối mặt với “bẫy” dàn cảnh đụng xe lấy tài sản. Đây là nỗi khiếp sợ của người dân nhiều năm nay. Băng dàn cảnh đụng xe này thường đi rất đông (hơn 10 người), theo dõi biết người nào bỏ tiền trong túi quần, áo khoác để “ăn hàng”. Chúng bám theo chờ đến khi “con mồi” giảm tốc độ thì cho xe vượt lên thắng gấp khiến nạn nhân cũng thắng lại. Từ phía sau, đồng bọn cố tình tông vào chân nạn nhân, đồng thời đưa chân vào ống pô xe la lớn bị kẹt chân... Lúc này, nạn nhân hốt hoảng, mất tập trung thì một đồng bọn áp sát lấy tiền hoặc tài sản rồi tẩu thoát.
Kinh nghiệm ứng phó
Nói về thủ đoạn dàn cảnh đi bộ va chạm (vô tình va chạm, xô đẩy, đùa giỡn...), giả gái mại dâm “gạ tình” nhắm vào du khách say xỉn lấy tài sản, đại tá Lê Ngọc Phương, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an TP.HCM cho biết: “Có thời gian, tội phạm này gây bức xúc du khách, người dân ở khu vực trung tâm thành phố. Loại tội phạm này câu kết nhiều đối tượng chuyên nghiệp, có nhiều tiền án tiền sự nên tinh ranh, xảo quyệt, có nhiều kinh nghiệm để đối phó với công an, gây khó khăn cho công tác trinh sát điều tra triệt phá. PC45 phải mất khá nhiều thời gian, công sức, có lúc phải nhờ du khách nước ngoài hỗ trợ mới triệt phá được 2 băng móc túi cộm cán. Đó là băng móc túi khét tiếng Mai “khủng”, Trang “Bắc kỳ”, Mứt. Từ đó, tình hình móc túi trộm cắp tài sản ở trung tâm được kiềm chế và đến nay tương đối ổn định”.
Từng đối mặt với băng nhóm dàn cảnh đụng xe táo tợn nhưng nhờ nhanh trí, ông V.H.Th. (ngụ Q.1) may mắn không bị mất 300 triệu đồng. Ông Th. chia sẻ kinh nghiệm: “Cách đây hơn 1 năm, tôi đi xe máy trên đường Huyền Trân Công Chúa (Q.1) bị nhóm dàn cảnh đụng xe vây bao quanh. Do biết được thủ đoạn của bọn chúng nên tôi vứt xe, ôm giữ túi tiền; nếu không buông xe giữ túi tiền thì đã bị chúng cướp 300 triệu đồng rồi”. Thiếu tá Lâm Tiến Đức, tổ trưởng tổ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Công an Q.Bình Thạnh) cũng khuyến cáo: “Thủ đoạn của băng nhóm dàn cảnh đụng xe thường chọn “con mồi” bỏ tiền trong túi quần, áo khoác và chờ thời điểm nạn nhân giảm tốc độ để ôm cua, dừng đèn xanh đèn đỏ, vòng xoay để ra tay. Chúng cố tình tông vào chân nạn nhân gây thương tích làm nạn nhân mất tập trung rồi lấy tài sản, có trường hợp táo tợn đến mức người dân phát hiện chúng vẫn giật tài sản bỏ chạy...”.
Một lãnh đạo của PC45 - Công an TP.HCM cũng lưu ý: “Người dân không nên sử dụng xe gắn máy vận chuyển số tiền lớn, tài sản có giá trị. Tài sản, túi xách không nên cầm trên tay, mang trên người khi chạy ngoài đường, không treo móc trên xe gắn máy mà nên bỏ trong cốp xe. Đối mặt với kẻ gian dàn cảnh va chạm vào người, đụng xe phải hết sức bình tĩnh vừa bảo vệ tài sản vừa tri hô cho mọi người xung quanh giúp đỡ. Lỡ bị say xỉn thì nên nhờ người quen đưa về hoặc đi taxi, vừa đảm bảo tính mạng vừa bảo vệ được tài sản. Khi bị mất tài sản thì đến công an trình báo vụ việc, cung cấp đặc điểm nhận dạng, phương tiện của kẻ gian giúp cho cơ quan công an điều tra xác định thủ phạm để truy bắt”.
“Rớt tiền, rớt tiền” Ngày 17.12, chị Thanh Nga (ngụ Q.Tân Bình) chạy xe tay ga trên đường Cách Mạng Tháng 8, hướng từ Q.10 về Q.Tân Bình. Khi đến trước công viên Lê Thị Riêng thì có 1 người đàn ông chạy xe máy từ sau vượt lên chạy song song, nhìn chị Nga và nói “rớt tiền, rớt tiền”. Cảnh giác chiêu trò, chị Nga giả vờ như không nghe gì thì người này vượt lên cố tình để chị Nga thấy xấp tiền loại tờ 500.000 đồng ông ta nhét ở túi quần sau để thò ra ngoài một khúc cao. Ngay sau đó, một thanh niên khác từ phía sau chạy xe lên song song nói với chị Nga “rớt tiền, rớt tiền”. Chị Nga vẫn tỏ ra không quan tâm, thì người này cũng vọt lên và túi quần sau anh ta cũng thò ra 1 xấp tiền loại 500.000 đồng. Chị Nga cảnh giác sợ bọn dàn cảnh đi đông người nên tấp xe vào lề nơi có nhiều người dân đang đứng. “Không biết đó là tiền thật hay tiền giả, và những người này định dùng chiêu trò gì đây?”, chị Nga nói. Khánh Vy |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.