Sau một năm triển khai mô hình "Cánh đồng sạch" cho thấy, các địa phương của huyện Mê Linh cơ bản thực hiện tốt tiêu chí của mô hình; duy trì việc dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường trên các cánh đồng...
Xây dựng “Cánh đồng sạch”, không sử dụng thuốc trừ cỏ, chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất, không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lông ra kênh mương… đang được nông dân huyện Mê Linh thực hiện khá hiệu quả. Đặc biệt, mô hình này được huyện khuyến khích lan tỏa đến nhiều vùng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân và xây dựng nền nông nghiệp sạch ở địa phương…
Mô hình hay trong sản xuất
Thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) là “vựa” rau lớn của thành phố Hà Nội. Với tổng diện tích hơn 200ha, bình quân mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 400-500 tấn rau, củ quả các loại. Ông Vũ Bá Đồng, thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết, để xây dựng thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng, hơn 100 hộ dân trong thôn đã tham gia mô hình "Cánh đồng sạch". Khi tham gia mô hình, thành viên luôn chấp hành nghiêm quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng nguồn nước sạch trong sản xuất rau, củ, quả; tuân thủ nghiêm túc việc để bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, làm sạch đồng ruộng...
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tráng Việt Vũ Văn Lợi, mô hình "Cánh đồng sạch" do Hội Nông dân xã Tráng Việt triển khai từ tháng 9-2022 trên diện tích hơn 2,6ha. Để xây dựng mô hình, Hội Nông dân xã hỗ trợ người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong canh tác, Hội thường xuyên kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh. Vào thứ bảy hằng tuần, Hội Nông dân xã vận động bà con tập trung vệ sinh đồng ruộng, phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao thành lập đội chuyên trách thu gom phụ phẩm trên đồng ruộng để xử lý, tái chế, bảo vệ môi trường.
Còn tại thị trấn Quang Minh, nông dân đã xây dựng mô hình "Cánh đồng bưởi sạch". Hiện nay, mô hình này thu hút hàng trăm hộ trồng bưởi tham gia với diện tích 25ha. Ông Nguyễn Văn Lành, Tổ dân phố số 9, thị trấn Quang Minh, cho biết: Trước đây, trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng bưởi nói riêng, khi sử dụng hết thuốc trừ sâu, bà con thường bỏ luôn vỏ ở ruộng, kênh mương, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi tham gia mô hình, các hộ trồng bưởi ở thị trấn đã thay đổi phương thức sản xuất, hạn chế sử dụng hóa chất, chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ, không xả bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường.
Tương tự, trên địa bàn các xã: Liên Mạc, Tam Đồng, Tiến Thịnh, Vạn Yên, Chu Phan... mô hình "Cánh đồng sạch" cũng được nông dân triển khai hiệu quả. Bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật được nông dân thu gom vào các thùng chuyên dụng...
Nhân rộng mô hình
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh Hoàng Văn Tân đánh giá, sau một năm triển khai mô hình "Cánh đồng sạch" cho thấy, các địa phương cơ bản thực hiện tốt tiêu chí của mô hình đề ra; duy trì việc dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường trên các cánh đồng. Nhờ đó, cảnh quan trên đồng ruộng ngày càng sạch hơn, đẹp hơn, giảm lượng rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật xả ra môi trường.
Đặc biệt, để nhân rộng mô hình, Hội Nông dân các xã, thị trấn còn xây dựng nội quy hoạt động, bố trí thùng đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các xứ đồng; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ...
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, để mở rộng mô hình, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân huyện hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp lắp đặt thùng chuyên dụng, xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; in tấm bảng quy trình sản xuất sạch cắm ở đầu bờ để người dân dễ thấy và nghiêm túc thực hiện... Từ những việc làm này đã nâng cao nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, phát triển các vùng sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng...
Có thể thấy, những "Cánh đồng sạch" đang có sức lan tỏa mạnh mẽ bởi đa lợi ích. Mê Linh tiếp tục huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là nông dân trong việc làm sạch đồng ruộng; thường xuyên tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, duy trì và nhân rộng mô hình "Cánh đồng sạch" trên địa bàn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.