Thời hạn đăng kí gửi phim đã sắp hết, nhưng những tác phẩm hay, nổi bật trong năm như
Theo nguồn tin từ Hội điện ảnh, đến thời điểm này đã có khoảng 10 phim truyện nhựa đăng ký tham gia tranh giải Cánh diều năm nay. Tuy nhiên đa phần các phim này là của Nhà nước còn tư nhân thì chưa thấy đâu.
Hơn 1 tháng trước lễ trao giải, thời hạn đăng ký gửi phim cũng sắp đến nhưng mới chủ yếu có các hãng phim của Nhà nước tham gia. Phim của các hãng tư nhân khá đông đảo nhưng chưa thấy tên. Hiện tại mới chỉ có các phim "Nhìn ra biển cả" (Hãng phim Hội điện ảnh), "Vũ điệu đam mê" (tên cũ là "Bụi đường tinh khôi" - Hãng phim truyện Việt Nam), "Long Thành cầm giả ca", "Trung Uý" (Hãng phim truyện Việt Nam), Vượt qua bến Thượng Hải (Hãng phim Hội nhà văn) góp mặt.
"Bi, đừng sợ" - bộ phim được nhắc đến nhiều nhất năm qua với việc tham gia hàng loạt LHP danh tiếng trên thế giới ít có khả năng tham dự Cánh diều năm nay. Phim thừa tiêu chuẩn về mọi mặt nhưng vì còn liên quan đến nhà sản xuất bên Pháp nên bản thân đạo diễn Phan Đăng Di cũng không thể tự quyết được việc phim có tham dự giải thưởng điện ảnh thường niên này của Hội điện ảnh hay không bởi anh phải thống nhất với nhà sản xuất.
Điểm lại các phim được sản xuất trong năm qua có đủ điều kiện tham dự giải Cánh diều năm nay còn khá nhiều cái tên đáng chú ý như: "Để Mai tính","Giao lộ định mệnh", "Cánh đồng bất tận". Cả ba bộ phim này đều nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng, thành công về mặt doanh thu và đều được đánh giá là những bộ phim có chất lượng dù "Giao lộ định mệnh" sau đó dính líu đến nghi án đạo phim khá tai tiếng. Bên cạnh đó còn phải kể đến bộ phim thuộc mảng đề tài lịch sử nhân 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có tên "Khát vọng Thăng Long". Tuy xung quanh bộ phim này có nhiều chuyện ì xèo nhưng xét trên mặt bằng chung thì "Khát vọng Thăng Long" là một phim khá.
Cảnh trong phim "Cánh đồng bất tận"
Bộ phim Việt được phát hành cuối cùng trong năm 2010 là "Em hiền như ma sơ" bị giới truyền thông chê bai không ngớt về chất lượng thì ít có khả năng tham dự một giải thưởng như Cánh diều bởi phim chủ yếu hướng đến mục đích thương mại. Ba bộ phim Tết là "Bóng ma học đường", "Cô dâu đại chiến" và "Thiên sứ 99" thì còn đang mải mê bán vé hốt bạc ngoài rạp nên cũng chưa tính đến chuyện thi thố. Như vậy là cả 7 bộ phim của các hãng tư nhân kể trên đến thời điểm này đều chưa chắc chắn có tham gia tranh giải ở hạng mục Phim truyện nhựa của giải Cánh diều năm nay hay không.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các bộ phim Việt được sản xuất và phát hành trong năm qua thì có thể thấy bức tranh của điện ảnh nội khá đa dạng về thể loại. Từ phim lịch sử cổ trang đến phim hài, từ phim nghệ thuật đến phim giải trí, cả phim độc lập lẫn phim 3D đều có. Nhiều phim mà khi tham gia người ta đã biết chắc là sẽ bị loại nhưng nếu tất cả cùng góp mặt ở giải Cánh diều năm nay thì chắc chắn chúng sẽ làm nên một mùa giải sôi động, đa chiều và tương phản.
Lễ trao giải Cánh diều vàng 2010. Ảnh Nguyên Hoàng
Nhà tổ chức cho biết năm nay giải Cánh diều tiếp tục duy trì chương trình chiếu phim miễn phi các bộ phim truyện nhựa tranh giải tại HN và TP.HCM để phục vụ công chúng. Ban giám khảo hạng mục Phim truyện nhựa sẽ xem phim tại Hà Nội nhưng sẽ bỏ phiếu tại TP.HCM. Sau một năm gián đoạn, năm nay giải Báo chí do 21 nhà báo theo dõi mảng phim ảnh thuộc CLB Báo chí phê bình điện ảnh bình chọn sẽ trở lại để tìm ra bộ phim hay nhất dưới con mắt của giới truyền thông.
Lễ trao giải Cánh diều kết hợp với Ngày điện ảnh VN do NSƯT Trịnh Lê Văn làm đạo diễn sẽ diễn ra tại nhà hát Hoà Bình, TP.HCM vào ngày 13/3 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.