Theo dõi Báo Hànộimới trên

Canh cánh nỗi lo bảo tồn

Thu Hằng| 05/06/2011 07:21

(HNM) - Địa đạo kháng chiến Nam Hồng, huyện Đông Anh là di tích lịch sử có một không hai ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ, năm 1996 đã được Nhà nước công nhận là Di tích cách mạng kháng chiến. Tuy nhiên, qua thời gian, hệ thống địa đạo đã xuống cấp, đặt ra yêu cầu bảo tồn khẩn trương.

Một cửa xuống địa đạo Nam Hồng nằm trong nhà dân thôn Vệ.


Địa đạo giữa lòng Hà Nội
Sử sách còn ghi: Xã Nam Hồng (trước đây là xã Phúc Long) là vùng đất có bề dày lịch sử gắn liền với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, Nam Hồng đều có người tài phò vua, giúp nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai (giai đoạn 1946-1954), nhiều trận giặt càn quét, giết người dã man diễn ra ngay tại quê hương nhưng quân và dân Nam Hồng vẫn anh dũng, kiên cường bám đất, bám làng chiến đấu bảo vệ xóm làng. Mặc cho bom cày, đạn xới, du kích và nhân dân Nam Hồng vẫn kiên gan, bền lòng đào 465 hầm bí mật, 2.680 hố tác chiến, đào đắp hơn 10km địa đạo, giao thông hào, thành lũy phân bố ở khắp các thôn trong xã phục vụ chiến đấu và sản xuất. Với những sáng tạo trong cách đánh du kích này, quân và dân Nam Hồng đánh thắng nhiều trận càn quét của địch, góp sức mình vào chiến công chung của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Trần Văn Cường cho biết, thế hệ người dân Nam Hồng hôm nay thấu hiểu được sự hy sinh, mất mát cũng như tinh thần anh dũng, kiên gan, bền chí trong chiến đấu với kẻ thù của lớp người đi trước. Hệ thống địa đạo, giao thông hào, lũy chiến đấu và hàng trăm hầm bí mật cùng những chứng tích của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thể hiện ý chí kiên cường bám đất, giữ làng, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Nam Hồng. Nổi tiếng với lối đánh du kích sáng tạo "chui lên từ lòng đất", thắng nhiều trận càn của địch, ngay sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954), xã Nam Hồng đã được đón tiếp trên 200 đoàn đại biểu trong nước và ngoài nước đến tham quan, học tập cách đánh du kích thông qua hệ thống địa đạo hào giao thông, lũy chiến đấu của quân, dân Nam Hồng.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay di tích cách mạng kháng chiến này đã không còn vẹn nguyên. Hơn 10km địa đạo, hào, lũy chiến đấu xưa, nay chỉ còn vài trăm mét. Nỗi lo bảo tồn di tích luôn canh cánh trong mỗi người dân.

Bia căm thù tại Di tích cách mạng kháng chiến Nam Hồng đã xuống cấp.


Trăn trở nỗi lo bảo tồn
Dẫn chúng tôi đi thăm đoạn địa đạo mới được tôn tạo lại, Trưởng thôn Vệ Phạm Văn Thanh không khỏi bùi ngùi: Chúng tôi thấy xót xa khi di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Sự xuống cấp một phần do địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, chịu sự tác động của khí hậu nhiệt đới phần khác là do địa đạo nằm chằng chịt ở tất cả các thôn nhưng tài liệu, sơ đồ địa đạo không còn, những du kích - nhân chứng lịch sử hầu hết đã mất nên công tác bảo tồn gặp khó khăn. Cũng cần phải nói người dân chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ di tích nên hệ thống địa đạo đến nay bị hư hại khá nhiều.

Ông Trần Văn Cường cho biết thêm, xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng này, những năm qua cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã vận động những hộ gia đình có địa đạo chạy qua trong quá trình xây dựng và cải tạo nhà ở không làm ảnh hưởng đến địa đạo; tuyên truyền trong nhân dân ý nghĩa của di tích, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Đặc biệt, từ năm 2000, Hà Nội đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng thực hiện dự án "Bảo tồn, tôn tạo và khai thác khu di tích địa đạo Nam Hồng" giai đoạn một với 17 hạng mục, gồm: Khôi phục 200m địa đạo, 100m giao thông hào, lũy chiến đấu và hầm chông, hòm thư mật, nhà truyền thống, dựng bia... Mặc dù triển khai từ năm 2000 nhưng đến nay dự án "Bảo tồn, tôn tạo và khai thác khu di tích địa đạo Nam Hồng" giai đoạn một vẫn chưa hoàn thành, do vướng về cơ chế, đền bù đối với các hộ dân có địa đạo chạy qua. Việc xử lý thoát nước, chống ẩm cho địa đạo chưa được thực hiện.

Địa đạo Nam Hồng là một di tích đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, do nét đặc thù là nằm len lỏi trong dân nên việc giữ gìn, tôn tạo gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém. Hiện, hầu hết hệ thống địa đạo đều chạy qua diện tích đất thổ cư của nhân dân, nhiều đoạn chạy giữa nhà dân, do vậy không thể khoanh vùng quản lý bảo vệ riêng. Để bảo vệ, tôn tạo khu di tích cách mạng kháng chiến địa đạo Nam Hồng, người dân đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, chính sách hỗ trợ, đền bù thiệt hại tài sản cho các gia đình khi triển khai dự án tôn tạo giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Canh cánh nỗi lo bảo tồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.