Sức khỏe

Cảnh báo xu hướng bệnh nhân ung thư “trẻ hóa”

Thu Trang 11/09/2023 - 06:25

Một nghiên cứu do Đại học Edinburgh (Scotland) và Trường y Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) thực hiện, công bố trên Tạp chí BMJ Oncology ngày 7-9 cho thấy, số ca ung thư ở người dưới 50 tuổi trên toàn cầu tăng gần 80% trong ba thập kỷ qua.

Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên thế giới và đang có xu hướng “trẻ hóa” người mắc loại bệnh đặc biệt nguy hiểm này.

ung-thu.jpg
Các bác sĩ thực hiện nội soi tầm soát ung thư tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc.

Mới ngoài 20 tuổi đã mắc ung thư

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú. Thông thường, tuổi tác vẫn là yếu tố dự báo nguy cơ ung thư lớn nhất. Có khoảng 90% các loại ung thư ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi và một nửa ảnh hưởng đến những người trên 75 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, bệnh nhân ung thư đang ngày càng “trẻ hóa”.

Trong tất cả loại ung thư thường gặp ở nước ta, ung thư gan hiện đứng đầu về cả tỷ lệ mắc và tử vong. Theo Globocan - Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, trung bình tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận gần 26.500 ca ung thư gan, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư. Riêng tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp mắc ung thư gan khi tuổi đời còn rất trẻ. Như trường hợp của anh Đ.T.H (31 tuổi, ở Hưng Yên) không có dấu hiệu gì bất thường, nhưng khi đi khám sức khỏe tổng quát để đi làm việc ở nước ngoài, kết quả khiến anh H bất ngờ và rất sốc vì phát hiện có khối u trong gan. Sau khi sinh thiết tế bào, bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân đã mắc ung thư gan nguyên phát.

Sau ung thư gan, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca, cũng như tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hằng năm, ở cả 2 giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây, qua thực tế điều trị, các bác sĩ nhận thấy, tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn. Điều đáng nói, tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu tăng lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới. Nếu như trước đây, các bác sĩ chỉ gặp bệnh nhân ung thư phổi trên 50 tuổi là nam giới, thì nay, đã có bệnh nhân dưới 40 tuổi là nữ giới.

Đơn cử như trường hợp nữ nhân viên văn phòng P.L.N (25 tuổi, ở Hà Nội). Trước khi đến viện 2 ngày, N xuất hiện cơn co giật toàn thân khoảng 3 phút, sau đó tê yếu nửa người trái. Tại Bệnh viện Bạch Mai, nữ bệnh nhân được làm các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ sọ não và kết quả phát hiện mắc ung thư phổi trái di căn não.

Ngoài ung thư gan, phổi, các bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp ung thư vú ở tuổi thanh niên - căn bệnh trước đây thường gặp ở tuổi từ 40 trở lên. Bệnh viện K đã và đang điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú khi chưa lập gia đình hay có những nữ sinh vừa bước chân vào cổng trường đại học. Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân N.A.T (22 tuổi, ở Nam Định), sau khi đi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, bác sĩ đã kết luận, T bị ung thư vú phải. Đáng tiếc, do phát hiện muộn, khối u đã di căn đến gan…

Cần duy trì lối sống lành mạnh

Đề cập đến nguyên nhân khiến cho bệnh nhân ung thư ngày càng “trẻ hóa”, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cho rằng, mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân cũng tăng lên cùng với công nghệ sàng lọc hiện đại hơn đã giúp phát hiện nhiều trường hợp mắc ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ. Mặt khác, ngày nay, người trẻ cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư sớm hơn.

“Có 3 tác nhân gây ung thư chính, bao gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời…); tác nhân hóa học (hóa chất sử dụng trong công nghiệp, phẩm nhuộm…); tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B…) có trong bia rượu, đồ ăn uống. Việc người trẻ uống rượu bia, hút thuốc lá sớm, nghiện đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, ít vận động, thức khuya… sẽ thúc đẩy tế bào bất thường (ung thư) phát triển sớm hơn so với tuổi”, bác sĩ Hà Hải Nam phân tích.

Theo thông tin từ Bệnh viện K, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới khoảng 21% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, trong đó có 90% là ung thư phổi, 75% ung thư miệng, thực quản, hạ họng thanh quản, 5% ung thư bàng quang và nhiều loại ung thư khác. Ngoài ra, lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 5% các trường hợp tử vong do ung thư. Đặc biệt, những người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường. Béo phì cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như: Ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, tụy, ung thư vú sau mãn kinh….

“Để phòng ngừa bệnh ung thư, mọi người cần hình thành thói quen sống lành mạnh, lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc… Cùng với đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể dục thể thao để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Đặc biệt, người dân cần có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương khuyến cáo.

Bên cạnh việc giảm thiểu tất cả các yếu tố nguy cơ, các chuyên gia ung bướu cũng lưu ý, người trẻ tuổi ở trong gia đình có người mắc ung thư càng phải cẩn trọng, tầm soát bệnh định kỳ. Bởi đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo xu hướng bệnh nhân ung thư “trẻ hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.