(HNMO) - Ngày 11-7, Bệnh viện Quân y 175 (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin lần đầu tiên tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc bệnh lý ung thư hiếm gặp là ung thư hắc sắc tố vòm họng.
Theo đó, bệnh nhân T.T.H.L (nữ, sinh 1982) xuất hiện các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt nhẹ từ vài năm nay. Gần đây, bệnh nhân có kèm ù tai, nghe kém và mất ngủ. Mặc dù đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh lý.
Ngày 15-6-2022, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Quân y 175, được nội soi tai, mũi, họng. Các bác sĩ phát hiện khối u màu đen sậm vùng vòm, kích thước 2x3cm, bề mặt nhẵn, trơn láng, mật độ chắc và nhiều hạch cổ. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm: Siêu âm vùng cổ và FNA (chọc hút tế bào kim nhỏ) hạch vùng cổ, có hạch viêm; giải phẫu bệnh nghĩ đến ung thư hắc sắc tố (Melonoma).
Đây là trường hợp bệnh lý đặc biệt. Các bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng hội chẩn và thống nhất đưa ra chẩn đoán bệnh nhân bị "Ung thư hắc sắc tố vòm họng".
Theo y văn trong và ngoài nước, ung thư hắc sắc tố niêm mạc mũi họng là một bệnh hiếm gặp, chiếm 0,4-1,3% của tất cả các khối u hắc sắc tố ác tính. Ung thư hắc sắc tố tại vòm họng lại càng hiếm hơn, chưa có nhiều y văn nói về tình trạng bệnh này. Hiện tại, phương pháp điều trị chung là phẫu thuật với bờ cắt rộng kèm theo xạ trị và hóa trị sau phẫu thuật. Tuy nhiên, các phương pháp trên cũng chưa đạt hiệu quả trong điều trị. Tỷ lệ tái phát tại chỗ, di căn xa cao đến 60-70%. Tiên lượng sống 5 năm chỉ đạt 20-30%.
Trung tá, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: "Đây là 1 ca bệnh rất hiếm gặp, tính chất ác tính cao. Chúng tôi đã hội chẩn với các bác sĩ Trung tâm Ung bướu của bệnh viện và chuyên gia trong ngành, bệnh nhân đã được lên kế hoạch điều trị phẫu thuật trước và đánh giá hóa xạ kết hợp sau phẫu thuật. Hiện tại, bệnh nhân sau mổ ngày thứ 3 đã chuyển về Khoa Tai - Mũi - Họng trong tình trạng đã tỉnh, tiếp xúc tốt, không chảy máu mũi, còn đau nhẹ vùng họng, ăn mềm được. Dự kiến sau 5 ngày có thể xuất viện và phối hợp điều trị với chuyên khoa Ung bướu".
Theo các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, do vị trí nằm ở sâu, triệu chứng mơ hồ nên ung thư vùng vòm họng thường khó được phát hiện sớm, các dấu hiệu của bệnh thường lẫn với các triệu chứng của cơ quan khác, đặc biệt các bệnh nhân ở xa thường đến vào giai đoạn muộn, do đó ảnh hưởng đến khả năng điều trị.
Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, bệnh nhân nên khám và nội soi tầm soát 4-6 tháng/lần để có thể tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư vùng vòm họng.
Ngoài ra, khi phát hiện một trong những dấu hiệu sau, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh tình: Bị ngạt một bên mũi; hay bị đau đầu; cổ họng đau rát, mất tiếng, tiếng bị khàn; đau hoặc chảy máu miệng; ho có đờm; ho dai dẳng, mặc dù đã uống thuốc nhưng không khỏi dứt điểm; tai bị ù, đau tai, giảm thính lực; nhìn mờ, nhìn đôi hoặc lé; có khối bướu hoặc hạch ở cổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.