Tối 22-2, Công an thành phố Hà Nội cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo sau Tết Nguyên đán 2024.
Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua các ứng dụng Zalo, Telegram hoặc gọi điện mời chào tham gia làm cộng tác viên online bán hàng trên các trang thương mại điện tử giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng.
Gần đây, ngày 19-2, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của anh T (sinh năm 1970; trú tại Tây Hồ, Hà Nội) có lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng online. Anh T đã đóng 560 triệu đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không rút được tiền ra.
Đã có nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng khi tham gia làm cộng tác viên cho website giả mạo trang thương mại điện tử Amazon. Theo đó, thông qua mạng xã hội Telegram, anh K (ở Hà Nội) được mời tham gia làm cộng tác viên bán hàng hưởng hoa hồng trên website amajwzon456.top.
Website có giao diện giống như trang thương mại điện tử Amazon với các gian hàng đủ các loại sản phẩm. Trong nhóm có nhiều “cò mồi” xác nhận đã thu được lợi nhuận từ việc bán hàng và đóng tiền thuế cũng như các khoản phí theo yêu cầu thì sẽ rút được tiền về để nạn nhân tin tưởng. Anh K được hướng dẫn mở gian hàng, đăng bán các sản phẩm do các đối tượng cung cấp, khi có khách đặt hàng thì phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng. Thời gian đầu tham gia, đơn hàng nhỏ lẻ và có tiền hoa hồng trả về, nạn nhân vẫn có thể rút tiền ra được.
Tuy nhiên, khi đơn hàng có giá trị tăng lên, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng lên khiến anh K tiếp tục phải nạp thêm tiền để thanh toán các đơn hàng mới cho bên cung cấp. Khi số tiền đạt đến con số hàng tỷ đồng, nạn nhân không thể rút tiền ra được với lý do cần nâng cấp thành viên trở thành đại lý nên cần nạp thêm 1,5 tỷ đồng thì mới rút ra được.
Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước, chú ý các đường link giả mạo (đối chiếu với website thương mại điện tử chính thức hoặc website đã được đăng ký với Bộ Công Thương).
Hình thức lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều thủ đoạn như đơn hàng bị chậm do vận chuyển, phải nộp thuế hải quan…, các đối tượng liên tục thúc ép nạn nhân nạp thêm tiền để nạn nhân không có thời gian suy nghĩ. Khi website này bị đóng, các đối tượng tiếp tục lập ra các website giả mạo tương tự để lừa đảo. Do vậy, người dân hãy tỉnh táo trước khi bỏ tiền đầu tư. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.