(HNM) - Các trò chơi điện tử (hay game online) từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều thanh, thiếu niên, song nó rất nguy hại khi vượt ra khỏi việc giải trí đơn thuần.
Điều trị bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm do nghiện game online. |
Tàn tạ vì... game online
Những tác hại do nghiện game gây ra đã được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo. Thế nhưng, tình trạng nhiều người trẻ chơi game dẫn đến suy kiệt sức khỏe, gây rối loạn tâm thần vẫn đang là nỗi lo lắng đối với nhiều gia đình. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết, tỷ lệ học sinh trầm cảm đang gia tăng, trong đó có nguyên nhân do nghiện game. Đáng chú ý, học sinh, sinh viên trầm cảm do áp lực học hành vào viện điều trị ít hơn nhiều so với trường hợp vào cai nghiện game. Thậm chí, hành vi tấn công bạn học, người thân ở một bộ phận học sinh hiện nay cũng bắt nguồn do nghiện game.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thanh Phương, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 đã từng tiếp nhận điều trị cho một trường hợp học lớp 6 ở Hà Nội bị nghiện game. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nên cậu bé đã được bố mẹ trang bị cho một loạt thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính cá nhân đắt tiền. Chính các thiết bị này đã tiếp sức cho cậu bé bước vào con đường nghiện game. “Từ một học sinh chăm ngoan, học giỏi, cậu bé đã trở thành học sinh cá biệt, thường xuyên bỏ học đi chơi game. Khi đến bệnh viện, ngay cả khi tôi trò chuyện, nhưng cháu vẫn cắm cúi chơi game, bỏ mặc câu hỏi...”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thanh Phương chia sẻ.
Bệnh viện Quân y 103 cũng từng điều trị cho một thiếu niên 16 tuổi nhưng trí tuệ, tương tác chỉ như một đứa trẻ 5 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Tất Định, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) kể: Trường hợp này có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, bố mẹ đã ly hôn, cháu sinh sống cùng mẹ và bà ngoại. Để tiện cho việc học tập của con, người mẹ đã trang bị một bộ máy vi tính. Vì không thể kiểm soát được mọi việc làm của con, dẫn đến con dồn hết thời gian ăn uống, học tập vào việc chơi game, lâu dần bị nghiện. Khi tiếp nhận trường hợp này, bệnh viện đã điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với nhóm thuốc an thần nhẹ…
Bác sĩ Nguyễn Tất Định cho rằng, ranh giới giữa việc chơi game và nghiện game hết sức mong manh. Trong thời đại ngày nay, nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam có xu hướng gia tăng, rất đáng báo động. Nhiều gia đình thường e ngại và chỉ đưa con đi khám khi trẻ có các dấu hiệu nặng như trầm cảm, hay đập phá, có hành vi tự sát…
Hai yếu tố giúp trẻ tránh nghiện game
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, có tới 70-80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10-15%. Học sinh đã nghiện game online, kéo theo hàng loạt hệ lụy như: Sa sút về thể lực và tinh thần, trầm cảm, hay cáu gắt, bỏ bê việc học hành, đặc biệt là không kiểm soát được hành vi của bản thân. Giáo sư, Tiến sĩ Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) đánh giá, nghiện game cũng giống như nghiện nhiều chất kích thích thần kinh khác, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người nghiện.
Nghiện game online là một bệnh lý về tâm thần trong giới trẻ. Ảnh: Xuân Lộc |
Gia đình và nhà trường là hai yếu tố rất quan trọng trong việc giúp trẻ tránh bị nghiện game. Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, bố mẹ không nên trang bị cho con những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính xách tay, đồng thời cần giám sát trẻ thường xuyên để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường. Cùng với đó, giải thích cho trẻ về những tác hại của việc nghiện game và lập thời gian biểu những việc làm hằng ngày để hướng trẻ thực hiện theo, trong đó có quy định sử dụng game online một cách hợp lý.
Đặc biệt, bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm, gần gũi, chia sẻ với trẻ, khuyến khích con tham gia những hình thức giải trí mang tính cộng đồng như: Chơi thể thao, sinh hoạt đội nhóm... Từ đó, định hướng cho trẻ đến một cuộc sống có ý nghĩa. Còn phía nhà trường, tăng cường công tác quản lý, thi đua, tuyên truyền, giáo dục để học sinh tự ý thức và nâng cao nhận thức của mình về những mặt tốt, xấu của game online. Ngoài ra, tổ chức những câu lạc bộ vui chơi, những hoạt động ngoại khóa trong phạm vi trường học để tạo sân chơi bổ ích cho học sinh.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh cảnh báo, trẻ được xác định nghiện game hay mắc rối loạn chơi game khi thỏa mãn những tiêu chí sau, đó là trẻ không điều khiển được bản thân khỏi game, chơi ở bất cứ đâu, địa điểm, chơi liên tục, chơi bất kể lúc nào. Trẻ coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống, giảm khả năng giao tiếp. Giai đoạn lạm dụng game có thể kéo dài, mới xảy ra hoặc theo mùa, không có thời gian cố định…
"Ngay khi nhận biết các dấu hiệu trẻ mắc chứng nghiện game, cha mẹ cần cho trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được can thiệp, điều trị. Điều quan trọng nhất vẫn là ngăn chặn nghiện game bằng cách tạo không gian, thời gian cho trẻ tham gia hoạt động thể chất tích cực hằng ngày", bác sĩ Ngô Anh Vinh đưa ra lời khuyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.