Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo bị tấn công mạng vì sử dụng phần mềm không bản quyền

H.H| 14/10/2014 11:03

(HNMO) – Vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện một số DN lớn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu vi phạm nghiêm trọng bản quyền phần mềm.

Đoàn thanh tra làm việc tại công ty TNHH Ánh Dương


Cụ thể, các công ty vi phạm là công ty TNHH Ánh Dương, còn được biết đến với thương hiệu taxi Vinasun có trụ sở tại tầng 2, 4, 5, Vinasun Tower, số 648 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, công ty Đường Biên Hòa – đường số 1, Khu Công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai, công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra tại trụ sở chính của các doanh nghiệp kể trên, các nhà chức trách đã phát hiện một lượng lớn các phần mềm không bản quyền của Microsoft tại đây bao gồm 37 phiên bản Microsoft Windows như Microsoft Windows XP Professional Edition, Microsoft Windows 7 Ultimate đến Windows Server 2003 Enterprise Edition, 165 phiên bản Microsoft Office bao gồm các bộ Microsoft Office 2010 Professional Plus, Microsoft Office 2013 Professional Plus, Microsoft Office 2010 Enterprise Edition…, 3 phiên bản Microsoft SQL Server, và một số phần mềm khác như AutoCAD, Adobe, v.v. …

Trong khi đó, theo các nghiên cứu mới đây, phần mềm lậu được biết đến là một trong những nguồn chính mà tin tặc thường lợi dụng khai thác lỗ hổng an toàn hoặc cài đặt mã độc để làm bàn đạp tấn công xâm nhập hệ thống, có thể dẫn tới làm gián đoạn thông tin, phá hoại hệ thống hay đánh cắp dữ liệu. Trong khoảng chưa đầy một tuần từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận các cuộc tấn công mạng vào hơn 700 website tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp thường chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt khi cho rằng phần mềm lậu có chi phí rẻ hơn nhưng thực tế không phải vậy. Theo báo cáo mới đây do công ty khảo sát thị trường International Data Corporation và trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), các chi phí liên quan đến việc thông tin bị gián đoạn và các vấn đề an ninh sẽ tiêu tốn của các doanh nghiệp hàng trăm nghìn đô la mỗi năm để khắc phục. Trong khi chỉ phần mềm có bản quyền mới có thể mang lại những lợi ích gia tăng của việc dùng phần mềm chính hãng cho người sử dụng như hỗ trợ kỹ thuật, nâng cấp và cập nhật các tính năng mới, bảo vệ thông tin chắc chắn hơn, tiết kiệm chi phí, thời gian. Sử dụng phần mềm có giấy phép còn giúp doanh nghiệp được vá phần mềm bị lỗi hay xử lý các sự cố kịp thời, nhanh chóng, không bị cài các ứng dụng gián điệp. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao và phần mềm độc hại ngày càng gia tăng như hiện nay. Và quan trọng hơn hết, dùng phần mềm có bản quyền vừa góp phần vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia vừa tránh được rắc rối về pháp lý và những ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu mà các doanh nghiệp phải mất nhiều công sức mới xây dựng được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo bị tấn công mạng vì sử dụng phần mềm không bản quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.