Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng Palestine - Israel: Gia tăng diễn biến phức tạp

Quỳnh Dương| 08/02/2023 07:07

(HNM) - Căng thẳng Palestine - Israel tiếp tục leo thang khi các vụ va chạm bạo lực giữa hai bên gia tăng mạnh trong tháng qua. Việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đẩy mạnh truy quét tại Bờ Tây và Chính quyền Palestine tuyên bố ngừng hợp tác an ninh để phản đối các chính sách của Israel đang khiến diễn biến trong khu vực ngày càng có dấu hiệu phức tạp. Điều này đang cản trở nỗ lực quốc tế nhằm đưa các cuộc đàm phán hòa bình về đúng hướng.

Xung đột giữa Israel và Palestine liên tục gia tăng trong tháng đầu năm 2023.

Các vụ tấn công và bạo lực liên tiếp xảy ra khiến tháng đầu tiên của năm 2023 trở thành tháng đẫm máu nhất tại Bờ Tây và Jerusalem trong nhiều năm qua. Mới đây nhất, ngày 6-2, IDF thông báo, có ít nhất 5 người Palestine đã bị bắn chết trong trận đọ súng rạng sáng cùng ngày khi các binh sĩ Israel tấn công trại tị nạn Aqbat Jabr gần thành phố Jericho của Palestine.

Làn sóng bạo lực giữa người Palestine và Israel bùng lên sau khi chính phủ mới của Israel lên nắm quyền với chính sách cứng rắn nhắm vào người Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục phản ứng mạnh với những hành động tấn công nhằm vào người Israel. Nhiều bộ trưởng trong nội các Nhà nước Do Thái ủng hộ tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Bởi vậy, quân đội Israel đã tăng cường các đợt truy quét an ninh nhằm bắt giữ các phần tử cực đoan. Cảnh sát nước này cũng mở cuộc truy quét lớn, bắt giữ nhiều người Palestine và áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Tính từ đầu năm 2023 tới nay, số người Palestine thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel đã lên tới 36 người.

Đứng trước nguy cơ bạo lực tiếp tục leo thang, cộng đồng quốc tế gia tăng các hoạt động ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng, khôi phục đàm phán hòa bình Trung Đông. Dự kiến, vào ngày 12-2 tới, Liên đoàn Arab (AL) sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về Jerusalem tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Cairo (Ai Cập) với sự tham gia của các quốc gia thành viên cũng như một số quan chức và đại diện của các tổ chức quốc tế, các quỹ và cơ quan phát triển Arab...

Đại sứ Palestine tại Ai Cập kiêm đại diện Thường trực tại AL Diab Al-Louh hy vọng, hội nghị sẽ thống nhất thành lập 1 ủy ban chuyên về luật pháp quốc tế để đưa ra những tư vấn pháp lý trong các trường hợp gây tranh cãi tại Jerusalem. Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận về các biện pháp nhằm hỗ trợ người Palestine ở Jerusalem thông qua các dự án đầu tư và phát triển do Nhà nước Palestine đề xuất. Ngoài ra, hội nghị cũng đề xuất thành lập một quỹ Arab tự nguyện do các quốc gia thành viên AL, các quỹ Arab, khu vực tư nhân và các cơ quan phát triển Arab đóng góp, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Jerusalem.

Hiện tại, Ai Cập đang được đánh giá là một kênh tích cực phát huy vai trò trung gian nhằm khôi phục ổn định và đạt được hòa bình giữa người Palestine và Israel. Thời gian qua, Tổng Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập đã tới thành phố Ramallah, chuyển thông điệp của Tổng thống Ai Cập ủng hộ sớm đạt được hòa bình, an ninh và ổn định. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập cũng tới Nga thảo luận tìm giải pháp bền vững cho tiến trình hòa bình Israel - Palestine. Trong khi đó, phía Mỹ khẳng định, kiềm chế là cách duy nhất để ngăn chặn làn sóng bạo lực hiện nay. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, việc kiên trì thực hiện giải pháp hai nhà nước trên cơ sở Nghị quyết 181 của Liên hợp quốc là cách tốt nhất để khôi phục hòa bình giữa Israel và Palestine.

Theo các nhà phân tích quốc tế, trong thời điểm hiện tại, mọi hành động đơn phương sẽ chỉ phá hoại triển vọng của một nền hòa bình toàn diện và lâu dài. Để lộ trình đàm phán hòa bình không bị chệch hướng, các bên liên quan cần thu hẹp bất đồng và hướng về một mục tiêu chung vì lợi ích của người dân nhằm ổn định khu vực sau nhiều thập kỷ xung đột.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng Palestine - Israel: Gia tăng diễn biến phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.