(HNM) - Mỹ vừa phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Kuwait khởi xướng, trong đó chỉ trích việc Israel sử dụng vũ lực đối với người Palestine và kêu gọi các biện pháp bảo vệ người Palestine.
Ít nhất 123 người Palestine đã thiệt mạng do hỏa lực từ phía Israel chỉ trong hơn hai tháng vừa qua. |
Giải thích cho quyết định phủ nhận văn bản được 10 thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ, Mỹ cho rằng văn kiện này mang quan điểm một chiều khi không buộc tội phong trào Hồi giáo Hamas gây ra làn sóng bạo lực gần đây tại Gaza. Trước đó, ngay trong ngày 1-6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thông qua một dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm lên án phong trào Hồi giáo Hamas. Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu ủng hộ dự thảo này, trong khi 11 nước bỏ phiếu trắng và 3 nước bỏ phiếu chống (gồm Bolivia, Kuwait và Nga).
Sự bế tắc tại cơ quan duy trì hòa bình và an ninh lớn nhất thế giới đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế chưa thể nhất trí và có những biện pháp thực tế bảo vệ người Palestine trước làn đạn của lính Israel. Hai cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an diễn ra cùng ngày với sự kiện một nữ y tá 21 tuổi người Palestine bị binh sĩ Israel bắn chết gần hàng rào biên giới với Dải Gaza, nâng tổng số người dân Palestine tại Gaza thiệt mạng do hỏa lực của quân đội Israel kể từ cuối tháng 3 vừa qua lên ít nhất là 123 người. Ngoài ra, khoảng 3.600 người khác cũng bị thương trong các cuộc biểu tình khởi phát từ cuối tháng 3 năm nay.
Tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất tại Gaza kể từ năm 2014 đã khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối và bày tỏ quan ngại. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo khu vực này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng quy mô lớn sau nhiều tuần bạo lực, khiến hơn 13.000 người Palestine thương vong.
Số nạn nhân quá lớn dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đồng thời đè nặng lên hệ thống y tế vốn đã xuống cấp trầm trọng của Gaza sau một thời gian dài bị Israel phong tỏa. Cuộc khủng hoảng cũng tác động tới tất cả các lĩnh vực đời sống trong khu vực, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Cho đến nay, Israel tuyên bố việc sử dụng vũ lực chỉ nhằm ngăn chặn các hành vi phá hủy hàng rào ngăn cách với vùng lãnh thổ nước này kiểm soát của người biểu tình. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã chỉ trích các chính sách đang khiến căng thẳng trong khu vực tăng cao và đẩy Gaza đến bờ vực một cuộc chiến tranh mới.
Mới đây, Cao ủy Liên minh Châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhận định, việc Tel Aviv thông qua kế hoạch xây dựng gần 2.000 ngôi nhà định cư tại Bờ Tây, cùng kế hoạch phá bỏ ngôi làng Khan Al-Ahmar của người Palestine làm tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng của giải pháp hai nhà nước, cũng như nền hòa bình lâu dài. Theo luật quốc tế hiện nay, những khu định cư của Israel tại Bờ Tây và Đông Jerusalem đều là bất hợp pháp.
Trong bối cảnh phải hứng chịu lệnh phong tỏa ngặt nghèo từ Israel, hằng ngày có 2 triệu người ở Gaza phải chật vật sống trong cảnh hạ tầng cơ sở đổ nát, khủng hoảng điện, thiếu các dịch vụ thiết yếu, thất nghiệp triền miên và nền kinh tế bị tê liệt. Phái bộ Liên hợp quốc tại Palestine dự đoán tới năm 2020, Gaza sẽ trở thành mảnh đất không thể sống được nếu không có những hành động cụ thể để cải thiện các dịch vụ cơ bản và hạ tầng cơ sở ở đây.
Do vậy, việc đạt được những giải pháp nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng, bảo vệ người dân tại khu vực mang tính cấp thiết và cần sự nỗ lực mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.