(HNM) - Trái với suy nghĩ của không ít người rằng, phán quyết lần thứ hai của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đưa ra ngày 11-11, về cuộc tranh chấp khu vực đền cổ Preah Vihear sẽ gia tăng căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia.
Ghi nhận của dư luận khu vực 24 giờ qua kể từ sau phán quyết của ICJ - trong đó xác nhận khu vực xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear thuộc về Campuchia và Thái Lan phải rút toàn bộ lực lượng quân đội và cảnh sát khỏi khu vực này - an ninh trật tự vẫn được bảo đảm tại khu vực biên giới giữa hai quốc gia láng giềng này.
Tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan về khu vực đền cổ Preah Vihear chấm dứt sau phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế. |
Được xây dựng khoảng thế kỷ XI và XII khi đế chế Khmer đang ở thời cực thịnh, đền cổ Preah Vihear trên đỉnh núi Dangrek ở độ cao 525m, cách thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia 500km về phía Tây bắc. Sau nhiều thập kỷ bất đồng, ngày 15-6-1962, ICJ tuyên bố ngôi đền khoảng 900 năm tuổi thuộc quyền sở hữu của Campuchia, nhưng không nói rõ về vùng đất xung quanh. Vì thế, cả hai nước đều nhận chủ quyền với khu vực rộng 4,6km2 xung quanh đền.
Tranh chấp giữa hai quốc gia láng giềng bùng phát mạnh vào năm 2001 khi quân đội Thái Lan phong tỏa mọi ngả đường dẫn vào đền Preah Vihear suốt hơn một năm. Campuchia cho rằng đền Preah Vihear đã bị hư hại nghiêm trọng do một phần bị đánh sập trong giao tranh, trong khi đó, Thái Lan phủ nhận tấn công ngôi đền và cáo buộc Campuchia biến một cơ sở tôn giáo thành căn cứ quân sự. Đặc biệt kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2008, ngôi đền đã trở thành điểm nóng xung đột vũ trang giữa quân đội hai nước. Căng thẳng lên mức cao khi tháng 4-2011, Campuchia đưa vụ kiện về vùng đất tranh chấp lên ICJ.
Trong bối cảnh đó, phán quyết mới nhất của ICJ đã ngay lập tức nhận được phản ứng tích cực của cả hai bên cũng như dư luận khu vực. Mặc dù thừa nhận phán quyết có thể chưa đáp ứng 100% mong muốn của Campuchia, nhưng trong một phát biểu từ trụ sở của ICJ tại La Hay (Hà Lan), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Nam Hong đã bày tỏ hài lòng với phán quyết này. Nhiều quan chức và học giả Campuchia cũng đón nhận thông tin từ ICJ một cách tích cực với hy vọng hai nước sẽ đẩy mạnh quyết tâm chính trị, tuân thủ phán quyết của ICJ.
Thông báo đến người dân cả nước về phán quyết của ICJ, trong một phát biểu mới nhất trên Đài Truyền hình quốc gia Campuchia, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: Phán quyết có ý nghĩa lịch sử to lớn và đánh dấu bước tiến quan trọng về nỗ lực của Chính phủ Campuchia trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Thái Lan một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Thủ tướng Hun Sen khẳng định, xứ Chùa Tháp luôn tôn trọng và tuân thủ tinh thần cuộc họp của ngoại trưởng hai nước ngày 28-10 vừa qua về cam kết tôn trọng và tiến hành thảo luận cơ chế thực hiện phán quyết của ICJ. Trên tinh thần đó, Campuchia sẽ tuân thủ cam kết cùng Thái Lan ngăn chặn, kiềm chế các hoạt động có thể gây căng thẳng, tiếp tục tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị nhằm xây dựng một khu vực biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác.
Không chỉ Campuchia, trong một tuyên bố được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và đài phát thanh từ tòa nhà chính phủ, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cũng bày tỏ sự hài lòng với phán quyết của ICJ khi cho rằng nó phần nào "có lợi" cho phía Thái Lan. Bởi trên thực tế, ICJ đã không ra phán quyết với những điểm tranh chấp xung quanh Preah Vihear, mà thay vào đó chỉ đề nghị Thái Lan và Campuchia hợp tác thông qua các cơ chế song phương hiện hành để giải quyết tất cả các tranh chấp. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Y.Shinawatra nhấn mạnh: Thái Lan và Campuchia sẽ cùng trông coi đền Preah Vihear và các khu vực phụ cận thông qua sự giúp đỡ của UNESCO.
Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Thái Lan và Campuchia vừa đạt được một bước tiến mới khi những căng thẳng tồn tại nhiều thập kỷ qua do tranh chấp về chủ quyền khu vực xung quanh đền cổ Preah Vihear đã được hóa giải. Đây không chỉ là bước ngoặt lịch sử trong giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, mà có ý nghĩa lớn hơn khi Cộng đồng ASEAN được hình thành vào năm 2015, đòi hỏi sự hòa hợp cũng như tôn trọng những khác biệt văn hóa và chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên không chỉ trên đất liền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.