Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng Canada - Saudi Arabia: Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Minh Hiếu| 10/08/2018 06:26

(HNM) - Tranh cãi ngoại giao đã dần leo thang thành căng thẳng trong quan hệ song phương sau khi Saudi Arabia trục xuất Đại sứ Canada về nước và đình chỉ các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhằm đáp trả những chỉ trích của Ottawa xoay quanh vấn đề nhân quyền.

Việc Saudi Arabia bắt giữ Samar Badawi và một số nhà hoạt động nhân quyền khác đã làm dấy lên tranh cãi giữa nước này và Canada.


Nguồn cơn trong bất đồng giữa hai nước xuất phát từ việc Bộ Ngoại giao Canada bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Saudi Arabia bắt giữ một số nhà hoạt động nhân quyền ở nước này, trong đó có nhà hoạt động về quyền phụ nữ hàng đầu Samar Badawi. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cho rằng việc bà Badawi bị bắt giam là đáng báo động. Canada hối thúc Saudi Arabia trả tự do ngay lập tức cho những nhân vật này, đồng thời khẳng định Ottawa luôn lên tiếng bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và quyền tự do ngôn luận trên khắp thế giới.

Đáp trả, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia chỉ trích thái độ tiêu cực của Canada là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Vương quốc Hồi giáo. Quốc gia vùng Vịnh đã triệu hồi Đại sứ tại Ottawa về nước, đồng thời yêu cầu Đại sứ Canada trong vòng 24 giờ phải rời khỏi nước này. Không dừng ở đó, Riyadh thông báo đóng băng mọi dịch vụ kinh doanh và hoạt động đầu tư liên quan tới Canada; hủy mọi chuyến bay thẳng sang Toronto của hãng hàng không quốc gia; rút toàn bộ du học sinh về nước cũng như dừng chương trình điều trị bệnh nhân của nước này tại Canada. Ngân hàng trung ương Saudi Arabia và các quỹ hưu trí cũng đã chỉ thị cho các cơ quan quản lý tài sản nước ngoài bán hết cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt Canada mà không cần quan tâm đến giá.

Trên thực tế, việc các nhà chính trị phương Tây bàn luận về vấn đề nhân quyền tại Saudi Arabia không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, phản ứng quyết liệt và cứng rắn của quốc gia Hồi giáo này đối với Canada lại gây bất ngờ. Giới quan sát nhận định, đây là thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ của Saudi Arabia rằng các quốc gia khác không nên chỉ trích hay can thiệp vào công việc nội bộ của nước này và cũng là một phép thử đối với các đồng minh tại khu vực. Bên cạnh đó, việc hướng các biện pháp đáp trả vào Canada là động thái có tính toán kỹ lưỡng và được cho là mang tính biểu tượng. Giá trị thương mại hằng năm của nước này với Canada chỉ khoảng hơn 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước châu Âu vốn là các quốc gia từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Saudi Arabia cùng những chính sách nội bộ của nước này.

Trong khi nhiều quốc gia Arab tại khu vực là Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đều đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Saudi Arabia trong căng thẳng với Canada, thì các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ lại có xu hướng đứng ngoài cuộc, kêu gọi các bên kiềm chế và tự giải quyết bất đồng thông qua biện pháp ngoại giao. Giới quan sát nhận định, đây là phản ứng dễ hiểu, bởi Canada là đồng minh của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đang trong quá trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Trong khi đó, dù không ký kết bất kỳ hiệp ước hay thỏa thuận nào với Mỹ, song Riyadh lâu nay vẫn được đánh giá là đồng minh quan trọng, thân thiết của Washington ở khu vực, đặc biệt là về dầu mỏ và các chính sách đối với Iran.

Căng thẳng song phương hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng áp lực đối với Saudi Arabia liên quan vấn đề nhân quyền thông qua các cuộc đối thoại chính trị và ngoại giao. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho rằng, không có gì để hòa giải và nước này hiện đang cân nhắc tiến hành thêm các biện pháp đáp trả nhằm vào Canada. Tuyên bố cứng rắn của các bên cho thấy khác biệt giữa vương quốc giàu dầu mỏ và quốc gia châu Mỹ khó lòng sớm được hóa giải.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng Canada - Saudi Arabia: Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.