Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Càng địa phương, càng thế giới''

Dương Thu| 13/05/2022 09:55

(HNMCT) - “Càng địa phương, càng thế giới” là một cách nói về điện ảnh khi bước ra sân chơi quốc tế. Tác phẩm điện ảnh càng mang đậm bản sắc dân tộc, đất nước mình thì càng tạo nhiều dấu ấn trên trường quốc tế.

"Song Lang" là phim Việt Nam giành được nhiều giải thưởng quốc tế nhưng không thành công về doanh thu.

Dấu ấn từ yếu tố văn hóa, lịch sử

Theo đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, thời gian gần đây, nhiều bộ phim Việt được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc tế và hầu hết có nội dung tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Chẳng hạn như “Song Lang” - giành trên 40 giải thưởng quốc tế ở các hạng mục đạo diễn, diễn viên, quay phim, kịch bản, thiết kế, phục trang, âm thanh, hình ảnh - là một bộ phim đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Phim được đánh giá thành công về nghệ thuật và qua đó, người xem được biết thêm về cuộc sống, con người miền Nam những năm 1980, về nghệ thuật cải lương độc đáo.

Đạo diễn Leon Quang Lê đã chia sẻ rằng, phim nhận được nhiều lời khen của khán giả quốc tế, như “Cải lương đặc sắc quá!”, “Làm sao để tôi có thể tìm hiểu thêm về cải lương trên mạng?”, “Chúng tôi nhất định phải đi thăm Việt Nam sau khi xem phim này!”...

Tại Liên hoan phim Thế giới châu Á 2021 quy tụ gần 100 phim từ hơn 40 quốc gia, hai bộ phim cổ trang Việt Nam đã được vinh danh gồm: “Kiều” - được trao giải thưởng Bộ phim xuất sắc nhất của năm; "Phượng khấu" giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất.

Trước đó, phim “Kiều” được lựa chọn công chiếu với tư cách phim Việt Nam tiêu điểm trong Liên hoan phim Newport Beach lần thứ 22 (cuối năm 2021). “Kiều” cũng nằm trong danh sách Phim không nói tiếng Anh tham gia tranh giải Quả cầu vàng lần thứ 79.

Bộ phim “Bố già” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành) và phim “Hai Phượng” (đạo diễn Lê Văn Kiệt) từng được giới thiệu dự Liên hoan phim Oscar. Không chỉ thành công về doanh thu phòng vé trong nước, đây cũng là hai phim Việt “chinh chiến” ở nhiều thị trường quốc tế.

Việc nhiều bộ phim Việt đoạt giải hoặc được công chiếu tại các liên hoan phim, các thị trường nước ngoài đã góp phần quảng bá điện ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, những bộ phim như vậy vẫn còn quá ít ỏi so với đất nước có vốn văn hóa độc đáo, đa dạng, có truyền thống hàng nghìn năm lịch sử như nước ta.

"Phượng khấu" dù còn nhiều hạn chế nhưng được bạn bè quốc tế đánh giá mang màu sắc Việt Nam độc đáo.

Đầu tư để có phim hay

Thực tế trong các liên hoan phim trong nước những năm gần đây, dòng phim Nhà nước đầu tư, đặt hàng hầu như không để lại nhiều dấu ấn, ngược lại, phim tư nhân, phim độc lập dần chiếm ưu thế với doanh thu "khủng", được đầu tư kỹ lưỡng, mạnh dạn đi vào nhiều đề tài khó. Trong khi điện ảnh được xác định phát triển trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thì những bộ phim doanh thu trăm tỷ thực sự là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự năng động của đội ngũ người làm phim và một thị trường đầy tiềm năng.

Thế nhưng, để điện ảnh Việt Nam phát triển, tạo vị thế trên trường quốc tế thì không chỉ là vấn đề doanh thu. “Tiệc trăng máu”, “Em chưa 18”, “Em là bà nội của anh”, “Tháng năm rực rỡ”... có doanh thu trăm tỷ ở trong nước nhưng là phim làm lại từ kịch bản phim nước ngoài (remake) đã thành công trước đó. Và đương nhiên, như PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì dòng phim này chẳng thể đại diện cho Việt Nam mang đi so tài quốc tế. Ngay cả các liên hoan phim trong nước cũng loại trừ nhiều hạng mục giải thưởng với phim remake.

Dù có những tín hiệu đáng mừng nhưng về tổng thể, điện ảnh Việt còn mờ nhạt trên trường quốc tế. Thành công ghi dấu tại các liên hoan phim quốc tế, nhất là các liên hoan phim hạng A như Oscar, Cannes, Venice sẽ giúp nâng tầm điện ảnh Việt. Mỗi liên hoan phim có những tiêu chí riêng, chủ đề từng năm, ngoài những yếu tố về chuyên môn, kỹ thuật thì những tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc và giàu bản sắc dân tộc luôn được chú trọng.

Rõ ràng, điện ảnh Việt cần nhiều hơn những tác phẩm vừa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, vừa tạo nên sự khác biệt, rõ bản sắc riêng. Tất nhiên, để làm được điều đó không hề dễ dàng. Làm phim về văn hóa, lịch sử dân tộc đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về mọi mặt. Chỉ riêng kinh phí cũng là một thách thức lớn với nhà sản xuất, đầu tư, trong khi đó, dòng phim này thường không thành công về doanh thu.

Đạo diễn Leon Quang Lê chân thật chia sẻ rằng, sau khi làm phim “Song Lang” anh đã nghèo hơn rất nhiều về mặt tài chính. Trong vài năm, anh không làm được gì khác để mang lại thu nhập ngoài việc tập trung để cho ra đời bộ phim, sau đó là các liên hoan phim. Và dù nhận được sự đánh giá cao về nghệ thuật nhưng “Song Lang” chỉ thu về phần nhỏ so với kinh phí đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng: Không nhiều phim cơ bản ổn cả về nghệ thuật và thành công về doanh thu như “Bố già”. Với thực tế các dòng phim ở Việt Nam hiện nay, rất khó để đòi hỏi có bộ phim vừa nghệ thuật, nội dung sâu sắc, lại vừa đạt doanh thu cao... Nhiều ý kiến đề xuất rằng, muốn có phim tốt, đáp ứng tiêu chí của các liên hoan phim lớn, Việt Nam cần đầu tư trọng điểm một số dự án điện ảnh mỗi năm chứ không nên chỉ trông đợi vào những gì sẵn có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Càng địa phương, càng thế giới''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.