Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần xử lý nghiêm người điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Bài, ảnh: Duy Biên| 16/09/2013 06:51

(HNM) - Tại Nghị định của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm...

Phớt lờ quy định

Xuất hiện trên thị trường vài năm trở lại đây nhưng xe đạp điện đang phát triển nhanh chóng bởi những tiện ích của nó. Hiện chưa có một con số thống kê chính xác về số lượng xe đạp điện đang được lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội, song với tính năng không kém gì xe máy, trong lúc giá xăng dầu tăng cao thì giải pháp sử dụng xe đạp điện làm phương tiện đi lại được nhiều người dân sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Thông thường, tốc độ trung bình của xe đạp điện là 30-40 km/h, chưa kể nhiều chủng loại xe tốc độ tối đa có thể lên 50-60 km/h, tương đương xe máy 50cc. Tuy nhiên, xe đạp điện không phát ra âm thanh, dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Điều đáng nói là tình trạng người điều khiển xe đạp điện không đội MBH khi tham gia giao thông ngày càng tăng cao, thế nhưng ít khi bị xử phạt.

Học sinh Trường THPT Việt Đức "đầu trần" đi xe đạp điện đến trường.



Dạo một vòng quanh các tuyến đường phố, không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh người đi xe đạp điện vẫn còn "lơ là" với quy định về việc đội MBH. Thậm chí, nhiều trường hợp đi xe đạp điện đã không đội MBH còn lạng lách đánh võng, chở ba, chở bốn trên đường. Đối tượng sử dụng xe đạp điện chủ yếu là người lớn tuổi và học sinh, sinh viên. Tại một số điểm trường THPT tại Hà Nội vào giờ tan học như Việt Đức, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Chu Văn An… phóng viên đã mục sở thị rất nhiều trường hợp học sinh đi xe đạp điện không đội MBH. Hàng tốp xe cứ giăng hàng hai, hàng ba nối đuôi nhau tỏa đi các phố phường. Khi được hỏi vì sao có quy định người điều khiển xe đạp điện phải đội MBH khi tham gia giao thông, một học sinh Trường THPT Việt Đức cho biết: Trong lớp, những bạn nào đi xe đạp điện đội MBH đều bị coi là "ngố", thậm chí bị tẩy chay.

Nguy cơ tai nạn cao

Theo Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh, Đội trưởng Đội CSGT số 7 - Công an TP Hà Nội, hiện việc sử dụng loại xe này đang tăng nhanh với hai đối tượng chủ yếu là trung niên và đặc biệt tập trung ở học sinh THPT. Về mặt tư duy, đi xe đạp điện rất đơn giản trong thao tác, tiện lợi nên đa số người dân cho rằng loại xe này an toàn, dẫn đến chủ quan, không tập luyện, không làm quen với xe. Về nguyên lý của xe, để đạt được cùng tốc độ, đường kính lốp nhỏ hơn thì số vòng quay phải lớn hơn, do đó độ văng lớn hơn. Trong khi đó, tiết diện tiếp xúc với mặt đường của lốp xe đạp điện khá nhỏ, dẫn tới độ ma sát với mặt đường rất kém. Đặc biệt, bộ phanh của xe chỉ bảo đảm an toàn với vận tốc tối đa 25 km/h, nhưng nhiều người chạy với tốc độ 40-50 km/h, thậm chí còn cao hơn, do vậy khi vào cua rất dễ trượt ngã. Bên cạnh đó, xe đạp điện to gần bằng xe máy, không có đèn xi nhan và tiếng nổ động cơ, nhưng có khi chạy với vận tốc ngang với xe máy nên nếu chuyển làn, rất dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn của xe đạp điện mà rất nhiều bậc phụ huynh chưa chú ý. Mặc dù số lượng xe đạp điện so với các phương tiện khác như ô tô, xe máy… là ít nhưng theo thống kê trong thời gian gần đây, xe đạp điện có tỉ lệ số người tai nạn giao thông bị chết trên đầu xe lưu hành khá cao. Để cho chính xác, cơ quan chức năng phải nghiêm túc nghiên cứu, thống kê để có hướng xử lý khắc phục, tránh tình trạng chế tài xử lý chưa hoàn thiện như hiện nay.

Trong thực tế, lực lượng CSGT cũng đã xử lý, song vẫn không giảm được tình trạng trên. Ngoài các lỗi như phóng nhanh (vượt quá tốc độ cho phép tối đa 30 km/h), không đội MBH hoặc đội không đúng quy cách, khi nhìn thấy CSGT từ xa, những học sinh điều khiển xe đạp điện không đội MBH đối phó bằng cách tắt điện xe chuyển sang đạp bằng chân gây khó khăn cho việc xử phạt. Một nguyên nhân khác là lực lượng chức năng xử lý chưa nghiêm nên nhiều người chủ quan, lâu dần tạo thành thói quen... vi phạm. Năm học mới 2013-2014 đã bắt đầu, để giải quyết vấn đề này, ngoài việc quản lý, xử phạt vi phạm của các lực lượng chức năng, sự giáo dục, định hướng của nhà trường, rất cần sự quan tâm, trách nhiệm của gia đình và các đoàn thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xử lý nghiêm người điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.