(HNM) - Sử dụng bê tông xi măng làm đường không phải vấn đề hay công nghệ quá mới và đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là loại vật liệu phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tuy nhiên, để áp dụng rộng cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn, định mức đồng bộ và triển khai tại những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT Phạm Hữu Sơn cho biết, số liệu của Cục Đường bộ Liên bang Mỹ cho biết, tại Đức, đường bê tông xi măng chiếm khoảng 25% đường cao tốc, ở Australia chiếm khoảng 67% đường cao tốc, Trung Quốc là 60% đường cao tốc… Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) Hoàng Hà, khoảng 20% đến 30% mặt đường trục ở Mỹ, Pháp, Nhật, Đức… cũng dùng bê tông xi măng.
Trên thực tế, ở nước ta, đường bê tông xi măng đã và đang được xây dựng ở nhiều nơi, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, nhưng chưa được sử dụng nhiều cho quốc lộ, đường cao tốc.
Phương pháp thiết kế, máy móc, công nghệ thi công đường bê tông xi măng trên thế giới đã hoàn chỉnh, đạt yêu cầu kỹ thuật cao. Đường bê tông xi măng cũng có nhiều ưu điểm, đặc biệt là với điều kiện thời tiết, địa hình nhiều nơi nước ta. Cụ thể, kết cấu mặt bằng bê tông xi măng có cường độ cao, thích hợp với tất cả các phương tiện vận tải, kể cả bánh xích. Điểm đáng lưu ý là đường rất ổn định trước sự "phá hoại" của nước. Mặt đường ít hao mòn, tuổi thọ cao hơn gấp 1,5 đến 2 lần so với đường thảm bê tông at phan, ít phải duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra, mặt đường sử dụng xi măng có màu sáng, giúp tăng độ an toàn chạy xe vào ban đêm.
Bên cạnh ưu điểm, đường bê tông xi măng cũng có những hạn chế như không thể thông xe ngay khi xây dựng mà cần thời gian bảo dưỡng tương đối dài để đạt cường độ thiết kế. Ngoài ra, do phải bố trí khe co giãn, nên độ bằng phẳng giảm, thường gây độ ồn lớn hơn so với mặt đường thảm bê tông at phan. Giá thành đầu tư xây dựng ban đầu tương đối cao so với đường thảm bê tông at phan. Theo các chuyên gia, khi xảy ra sự cố, việc sửa chữa đường bê tông xi măng cũng khó khăn hơn…
Một trong những khó khăn khác khi áp dụng làm đường bằng bê tông xi măng là hệ thống định mức hiện hành ở nước ta chỉ cơ bản phù hợp với công nghệ thi công thủ công. Định mức cho đổ bê tông mặt đường bằng máy rải, cốt thép, thi công khe với vật liệu trám không phải ma tít còn thiếu. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) kiến nghị phải bổ sung định mức dự toán cho đổ bê tông bằng máy, sản xuất, lắp đặt cốt thép, thanh truyền lực, định mức bảo dưỡng… để có đủ điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý triển khai. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trần Tùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho rằng, việc xác định tiêu chuẩn liên quan đến vật liệt và kết cấu bê tông xi măng sẽ áp dụng ở từng dự án cụ thể phải nhất quán, tránh trộn lẫn các tiêu chuẩn khác nhau. Đây là những điều kiện tiên quyết để kiểm soát và bảo đảm chất lượng công trình xây dựng nói chung, giao thông nói riêng khi sử dụng loại vật liệu này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.