Góc nhìn

Cần vào cuộc quyết liệt hơn

Hà Trang 27/08/2024 - 06:08

Thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đã được các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội tập trung lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn của Thủ đô, tạo được những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Chỉ riêng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra gần 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện 1.533 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xử phạt gần 4,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đến nay, trong tổng số hơn 500 chợ trên địa bàn thành phố mới có 22 trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh thực phẩm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa triệt để, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm…

Khắc phục những hạn chế trên, ngày 16-8-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố. Theo đó, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng.

Mới đây, ngày 23-8-2024, phát biểu kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã và đang được giao. Đặc biệt, phải tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm, truyền thông để cảnh tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Thành ủy, thời gian tới các sở, ngành, địa phương của thành phố cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, trong đó chú trọng tăng cường thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng. Bên cạnh đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm...

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; qua đó, dần thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn.

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu, góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần vào cuộc quyết liệt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.