(HNM)- Theo đánh giá của các chuyên gia, sau 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước, chúng ta mới chỉ đạt được gần 50% số chỉ tiêu mà chương trình đã đề ra. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là yếu tố con người.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Thu Linh, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) về công chức và chế độ tiền lương của cán bộ, công chức (CBCC) trong bối cảnh hiện nay.
- Hiện nay vấn đề tiền lương cho công chức đang được rất nhiều người quan tâm bởi vấn đề này có liên quan đến chất lượng công chức cũng như đời sống của chính các công chức. Ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?
Điều chỉnh lương, tăng thu nhập, cán bộ, công chức sẽ yên tâm hơn trong công việc. Ảnh: Linh Tâm
- Đúng là hiện nay lương công chức được chính họ và xã hội đặc biệt quan tâm. Khoảng cách giữa tiền lương công chức và lạm phát ngày càng xa cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến công chức phải xoay xở, phải nhũng nhiễu. Đơn giản hơn là "chân trong, chân ngoài" để họ tồn tại.
- Vậy thưa bà, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trong 10 năm, Chính phủ đã 3 lần tăng lương nhưng các CBCC vẫn chưa sống được bằng chính đồng lương ấy?
- Theo tôi nguyên nhân là do chúng ta chưa xác định được động lực của CCHC. Có người nói động lực là ở dân, có người nói động lực ở DN, ở hội nhập quốc tế hoặc Chính phủ. Cá nhân tôi cho rằng, phải tìm động lực CCHC ở chính những CBCC. Bởi họ là người soạn thảo văn bản luật và dưới luật và chính họ cũng là người thực thi. Nhưng nguồn động lực này những năm qua chưa được coi trọng và bây giờ muốn khơi thông nguồn lực này thì theo tôi có hai điểm tựa: Đó là tiền lương công chức phải được bảo đảm ở mức trung bình, trung bình khá để họ có thể yên tâm với công việc của mình. Thứ hai là giá trị của nghề công chức phải được tôn vinh. Hiện nay, cả hai điểm tựa này còn đang rất mong manh.
- Có thể nói là sau 10 năm thực hiện cải cách chế độ tiền lương, chính ban soạn thảo ra chương trình tổng thể CCHC nhà nước cũng thừa nhận đã quá tham vọng và trong dự thảo 10 năm tới ban soạn thảo lại đưa ra mục tiêu về tiền lương đến năm 2017 mới bảo đảm được mức sống trung bình cho các CBCC. Ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?
- Tôi nghĩ rằng muốn đi đến mục tiêu thì khi bắt đầu phải đi những bước đầu tiên. Khi ta coi CBCC là động lực của CCHC, mà trong khi vấn đề khiến công chức bức xúc nhất là điều kiện để cho họ bảo đảm cuộc sống lại không đáp ứng được. Họ đã phải tự xoay xở, Nhà nước không kiểm soát được yếu tố này, dẫn đến hậu quả khôn lường. Thế nên, tôi nghĩ khi đưa ra những mục tiêu đồng thời với đó là phải xác định rõ việc gì cần làm.
- Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực CCHC, theo bà, cần có những giải pháp gì trong cải cách tiền lương thời gian tới?
- Trước hết cần sớm ưu tiên điều chỉnh lương cho CBCC đương nhiệm, cùng với đó là rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để làm cơ sở xây dựng cho bản mô tả vị trí việc làm. Và dựa trên bản mô tả này mà đánh giá một cách khách quan công việc của họ. Khi dựa trên bản mô tả thì chúng ta phải sửa đổi những bất hợp lý trong chế độ tiền lương công chức, mà bất hợp lý của chúng ta là lên lương theo thâm niên, chứ không dựa trên kết quả công việc. Theo tôi nghề công chức không cần tài năng xuất chúng nhưng phải đặc biệt đề cao phẩm chất cần mẫn, tận tụy, công tâm, công bằng trong cung cấp các dịch vụ cho người dân. Trong đội ngũ này, cần khoảng 5% công chức tinh hoa, đây là công chức trí thức, công chức học thuật, họ không giữ chức vụ nhưng giữ vai trò quan trọng trong đề xuất các thể chế. Và một nguyên tắc cuối cùng là quỹ lương, từ nguồn tiền thuế của người dân chỉ trả cho đội ngũ công chức làm việc trong bộ máy công quyền mà thôi.
- Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.