Góc nhìn

Nguồn lực to lớn cho phát triển bền vững

Hà Trang 10/04/2025 - 06:14

Hiện nước ta có khoảng 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Các di tích, danh lam thắng cảnh được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa ở nhiều địa phương vẫn còn bất cập, hạn chế. Các quy định pháp luật về di sản văn hóa chưa kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản hiện nay. Quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản còn rất khác nhau, chưa phát huy được năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ di sản. Thủ tục hành chính về tôn tạo, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị di sản văn hóa còn phức tạp, thiếu phân cấp, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa…

Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, tại kỳ họp thứ tám, ngày 23-11-2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Để triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã ký Quyết định số 723/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa, bảo đảm Luật được thực thi đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Di sản văn hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh việc quảng bá di sản văn hóa; nghiên cứu gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch và kết nối vùng, thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói riêng; đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trên cổng/trang thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật và các hình thức phù hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng.

Di sản văn hóa nói riêng và văn hóa nói chung là một loại tài nguyên, nếu được sử dụng phù hợp sẽ là nguồn lực to lớn cho phát triển bền vững.

Chính vì vậy, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần phát huy những cơ chế mới trong Luật Di sản văn hóa; tăng cường đầu tư, tu bổ, tôn tạo để các di sản trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương có di sản, đóng góp vào phát triển bền vững để di sản văn hóa ngày càng phát huy vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực to lớn cho phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.