(HNM) -
Thực tế chuyện văn bản chồng chéo, ban hành sai luật đã được đề cập nhiều lần qua các kỳ họp Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu. Kết quả là Việt Nam đang sở hữu một hệ thống văn bản pháp luật chồng chéo ngang dọc, phức tạp mà nhiều người ví như một khu rừng. Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mà ở đó mọi người dân đều phải chấp hành, sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng với hệ thống văn bản luật còn nhiều sai sót như vậy khó có thể kỳ vọng đạt được những kết quả mong muốn khi mà người dân vẫn phải chịu cảnh: nay theo quy định này mai lại phải làm theo quy định khác.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền tức là Nhà nước hướng người dân tới việc chấp hành đúng pháp luật và thực tế đối với những hành vi, vi phạm pháp luật của dân, pháp luật đều có chế tài xử lý khá gắt gao. Nhưng trái lại, với một thực trạng cơ quan chức năng soạn thảo và ban hành văn bản sai vốn kéo dài nhiều năm qua gây bức xúc dư luận, song chẳng thấy mấy ai phải chịu trách nhiệm. Thực tế là nhiều văn bản ban hành ra lập tức bị dư luận phản ứng gay gắt vì sự vô lý của nó, buộc cơ quan ban hành phải thu hồi. Việc này không chỉ gây tốn kém công sức, kinh phí xây dựng mà còn có thể gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt nghiêm trọng là tạo ra một trạng thái rất nguy hiểm trong xã hội đó là coi thường tính nghiêm túc, nghiêm minh của pháp luật.
Thật buồn khi đất nước có cả "một rừng luật" nhưng hiệu quả quản lý xã hội đạt được từ việc thực thi các văn bản luật đó lại không cao. Đó là sự chồng chéo của những "luật mẹ - luật con", rồi sự dàn trải của hệ thống chủ thể có thẩm quyền ban hành, từ cấp Trung ương cho đến cấp xã, phường. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm về những sai sót này? Không lẽ cứ "đến hẹn lại lên", kỳ họp nào cũng chỉ "nhận trách nhiệm", "hứa khắc phục" là xong? Ngay tại phiên chất vấn hôm 12-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, để xảy ra tình trạng này thì cả các đại biểu Quốc hội cũng có trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội nói: "Nếu người ta căn cứ 312 văn bản sai phạm này để mà tổ chức thực hiện thì gay go rồi. Mà nếu không tổ chức thi hành thì lại là vi phạm pháp luật. Căn cứ theo quy định thì có thể xử lý kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, đuổi việc... cán bộ được rồi, có khi xử lý hình sự được rồi".
Một văn bản quy phạm pháp luật sai sẽ phải rút lại là điều đương nhiên. Nhưng nếu chỉ biết nhận sai mà không biết sửa sai, xử lý cái sai thì chắc chắn sẽ không bao giờ hết được tình trạng văn bản sai. Đã đến lúc cần phải kiên quyết chấm dứt tình trạng này. Các nhà làm luật, hoạch định chính sách phải nhận rõ trách nhiệm trước cử tri. Nếu làm không tốt, làm không nghiêm thì như nhận định của Chủ tịch Quốc hội rằng sẽ có trường hợp biết mà không thi hành pháp luật, làm trái pháp luật, không xử lý kịp thời cũng rất nguy hiểm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.