Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng với tin đồn trên mạng xã hội

Gia Khánh| 14/10/2022 06:32

(HNM) - Những ngày qua, sau khi trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), nhiều người dân đã đến SCB rút tiền gửi trước hạn. Trước hiện tượng này, SCB nhanh chóng khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội là sai sự thật.

Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cũng lên tiếng cảnh báo người dân cẩn trọng trước tin đồn, không nên rút tiền trước hạn, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình và khẳng định Nhà nước bảo đảm tiền gửi của người dân trong mọi trường hợp. Sau đó, cơ quan công an đã làm việc với một số đối tượng để làm rõ việc sử dụng mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an, khiến nhiều người đồng loạt rút tiền gửi tại ngân hàng. Tất nhiên đối tượng tung tin, phát tán tin sai sự thật sẽ bị cơ quan chức năng xử lý. Song hậu quả của tin thất thiệt rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, ngân hàng, mà còn tác động đến thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống ngân hàng, an ninh trật tự xã hội.

Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền thông tin một người đứng đầu tập đoàn lớn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Ngay lập tức thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thông tin sai sự thật này. Đối tượng tung tin sau đó cũng đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Thực tế, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Trong đó thông tin xấu, độc xuất hiện ngày càng nhiều, từ các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội đến chuyện đời tư hay bôi nhọ tổ chức, cá nhân. Đáng tiếc, không ít người dùng mạng xã hội mất cảnh giác, không đánh giá, kiểm chứng thông tin, mà tin, hùa theo bình luận, phát tán. Với nền tảng kết nối không có biên giới, tin giả, tin sai sự thật vừa xuất hiện ngay lập tức có hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng triệu lượt xem. Vì thế tốc độ lan truyền theo cấp số nhân và hậu quả khó đo đếm được. Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng nghìn bài viết, video có nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật đã bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

Trước thực tế trên, cơ quan chức năng đã sử dụng hệ thống kỹ thuật để giám sát, rà quét, phát hiện, cảnh báo tin giả, thông tin xấu độc và nhanh chóng xử lý, gỡ bỏ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng đưa ra những thông tin chính thống để định hướng dư luận. Thậm chí, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, thông tin đa dạng, đa chiều, cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin sớm, kể cả những vấn đề nhạy cảm mà không né tránh, để không tạo ra tâm lý hiếu kỳ, bất lợi, bỏ trống “trận địa” cho tin xấu trên mạng xã hội mặc sức hoành hành. Mọi đối tượng tung tin giả, tin xấu độc đều phải bị xử lý nghiêm minh, truy tố hình sự khi hậu quả gây ra nghiêm trọng, xâm hại an ninh trật tự xã hội.

Tin giả, tin xấu độc khi lên mạng xã hội sẽ lan truyền rất nhanh, rất xa, ảnh hưởng rất lớn. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao ý thức, sự cẩn trọng của người dùng mạng xã hội thông qua các bộ quy tắc ứng xử và việc tuyên truyền, hướng dẫn. Người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận những thông tin, nhất là những thông tin nhạy cảm, cần bình tĩnh đánh giá, kiểm chứng với thông tin chính thống, không vội vàng hấp thụ, chia sẻ hay bình luận để vô tình lan truyền thông tin xấu, độc. Tăng “sức đề kháng” của người dùng mạng xã hội mới là cái gốc, góp phần triệt tiêu thông tin xấu độc, sai sự thật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với tin đồn trên mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.