(HNM) - Cho rằng vào mùa mưa sẽ khó xảy ra cháy, nổ nên nhiều người chủ quan trong công tác phòng ngừa...
Cần cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ do chập điện trong mùa mưa bão. |
Tối 31-7 vừa qua, cửa hàng ảnh viện áo cưới ở số 70 đường Xã Đàn (quận Đống Đa) xảy ra cháy dữ dội tại tầng 2. Đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn ngay sau đó, không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều đồ đạc đã bị thiêu rụi. Cũng trong tối 31-7, tại tầng 15 tòa chung cư số 143 đường Trần Phú (quận Hà Đông) xảy ra hỏa hoạn, khiến cư dân hoảng hốt. Điều đáng nói, cả hai vụ cháy trên xảy ra trong thời điểm mưa nặng hạt và nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện.
Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ cháy nêu trên là do nước mưa ngấm vào đường dây điện bị hở, gây ra hiện tượng ôxy hóa, dẫn đến chập điện, gây nổ và cháy tại các trụ, cột điện và nhà dân. Nguy hiểm hơn, các vụ chập điện gây cháy, nổ thường xảy ra vào lúc nửa đêm, khiến cho nguy cơ thương vong do ngạt khói cao hơn. Ngoài ra, trong mùa mưa có nhiều yếu tố đáng lo ngại khác như cây xanh trên đường phố, công viên, khuôn viên trường học, bệnh viện… không được cắt tỉa nhánh, xử lý những cành khô, khi có gió to hoặc mưa lớn có thể gãy đổ làm đứt hệ thống điện, dây cáp viễn thông, truyền hình… gây chạm chập, dẫn đến cháy, nổ.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến có dự trữ nhiều loại dung môi, hóa chất… cũng tiềm ẩn mối lo cháy nổ không nhỏ.
Nhằm hạn chế cháy, nổ vào mùa mưa, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Các lực lượng đã khuyến cáo người dân quản lý nguồn điện chặt chẽ, nhất là lựa chọn các thiết bị truyền tải điện phù hợp đề phòng quá tải chập cháy, rò rỉ điện bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự đóng - ngắt... Đối với các cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ quy định an toàn về điện. Ngoài ra, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã phối hợp với ngành Điện đề nghị nâng cấp, cải tạo các đường dây điện tại những khu vực có nguy cơ cháy cao về điện để hạn chế tối đa các vụ cháy có thể xảy ra.
Thiếu tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) khuyến cáo, tại các cơ sở tồn chứa xăng dầu và các công trình có nguy cơ cao phải được lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét, thực hiện kiểm tra định kỳ. Ngoài ra, người dân cần gia cố, chằng buộc chắc chắn các cửa, công trình tránh sụp đổ khi có dông, gió mạnh; tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy trước mùa mưa bão. Đối với các kho hóa chất khi tiếp xúc với nước gây phản ứng tự cháy cần có biện pháp tránh ngập nước.
Đáng chú ý, mặc dù là mùa mưa, nhưng nguy cơ cháy rừng vẫn có thể xảy ra. Ở địa phương có diện tích rừng trước tiên cần tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, như không sử dụng lửa để bắt ong, hút thuốc không vứt tàn bừa bãi vì lá cây là chất dễ gây cháy lan…
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy và 2 vụ nổ (trong đó có 2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ cháy trung bình, 336 vụ cháy nhỏ, 5 vụ cháy rừng). Các vụ cháy đã khiến 4 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 263 tỷ đồng và 1,8ha rừng. Trong các vụ cháy nổ, nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ hơn 60%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.