(HNM) - Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội và các kênh bán hàng trực tuyến (online), nhưng nhiều người vẫn mắc lừa với số tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, những vụ việc được phát hiện gần đây cho thấy, phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi người dân cần cẩn trọng, nâng cao cảnh giác...
Làm giàu không khó?
Cuối tháng 5 vừa qua, chị Nguyễn Tú Liên (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) không khỏi “sốc” khi Nguyễn Tú Anh - con gái chị đang học năm thứ 2 Khoa Dược, Trường Trung cấp Y Hà Nội tuyên bố nghỉ học để đi kiếm tiền với khẳng định chắc nịch: “Làm giàu không khó”. Nói là làm, Tú Anh bỏ học, vùi đầu vào máy tính, điện thoại suốt ngày đêm. Có lúc Tú Anh mặc quần áo chỉnh tề, trang điểm đẹp, tự quay, phát hình trực tiếp (livestream) giới thiệu sản phẩm bán hàng trực tuyến (online).
Tìm hiểu các vấn đề đang lôi cuốn con mình, chị Liên phát hiện ra hàng loạt các khóa học bán hàng online trên mạng với những "bài học" hấp dẫn về kinh nghiệm bán hàng online; cách để bán đắt hàng, “nổ” trăm đơn mỗi ngày; cách để phát triển cộng đồng sinh thái Tiktok… Không ít trang Facebook, Tiktok cá nhân còn khoe thành tích chốt hơn nghìn đơn hàng trong 2 giờ livestream, hay kiếm cả trăm triệu đồng nhờ livestream... Các thông tin đã này kích thích sự ham muốn làm giàu của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ...
Trên các trang mạng xã hội cũng hướng dẫn cụ thể việc đăng ký mở cửa hàng, đại lý bán hàng online...; giới thiệu việc nhẹ, đơn giản, song có thể kiếm triền triệu mỗi ngày nếu trở thành cộng tác viên đắc lực với các trang bán hàng trên mạng như Facebook, Zalo, Tiktok... Tuy nhiều người khoe dễ dàng kiếm tiền triệu khi bán hàng và làm cộng tác viên bán hàng online, nhưng thực tế có không ít góc khuất được chính người trong cuộc tiết lộ. “Ngay cả khi chốt được đơn thành công cũng chưa chắc đã thu được tiền bởi tỷ lệ “bom” hàng khá cao do việc bán hàng trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử không yêu cầu đặt cọc..." - một người bán online chia sẻ.
Lợi dụng tâm lý ham làm giàu, nhất là của học sinh, sinh viên, gần đây còn xuất hiện tình trạng kẻ xấu giả danh là người của các sàn thương mại như Sendo, Shopee, Tiki… tuyển cộng tác viên mua hàng ảo để tăng lượng người mua và đánh giá sản phẩm. Theo đó, sau khi kết nối với người có nhu cầu tìm việc làm, các đối tượng hướng dẫn cộng tác viên đặt mua hàng online với lời hứa hẹn sẽ hoàn đủ vốn và phần trăm hoa hồng sau mỗi đơn hàng giao dịch thành công, với mức chiết khấu từ 8% đến 25%, tùy giá trị hàng hóa.
Công an quận Long Biên cho biết, đơn vị đang điều tra, xác minh đơn trình báo của công dân trên địa bàn về thủ đoạn tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng online trên mạng xã hội. Chị T. (sinh năm 1982) cho biết, thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng online với 10% hoa hồng, chị đã nhận làm. Sau khi đã thanh toán 3 đơn hàng, chị được hoàn lại vốn cùng phần trăm hoa hồng như thỏa thuận. Nhưng khi thanh toán đơn hàng lên tới 100 triệu đồng thì chị không được nhận lại tiền cũng không liên hệ được với người tuyển dụng. Lúc này, chị T. mới biết mình bị lừa.
Khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác
Trước thực trạng trên, Công an thành phố Hà Nội cho biết, dù đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều người thiếu hiểu biết vẫn bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, thanh toán đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử. Để chủ động phòng ngừa, người dân cần nêu cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh để mắc bẫy. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin bằng nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) Nguyễn Quang Huy, cho biết, vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử ngày càng phức tạp. Các đối tượng chủ yếu tập trung vào những mặt hàng có giá trị lớn, mặt hàng sản xuất tại nước ngoài, thông qua những kênh bán hàng trên mạng xã hội để giao dịch nhằm dễ xóa dấu vết, gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh của cơ quan chức năng. Vì vậy rất cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp, đơn vị quản lý khác để xử lý vi phạm.
Cùng với việc khuyến nghị người dân cảnh giác trước những lời mời chào tuyển cộng tác viên bán hàng online, thanh toán đơn hàng ảo, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến khích người dân tham khảo thông tin trên trang web DauhieuLuadao.com (Dấu hiệu lừa đảo) do đơn vị này xây dựng nhằm hiểu rõ hơn về thủ đoạn lừa đảo trực tuyến qua việc cung cấp các tình huống điển hình, đồng thời đưa ra những nguyên tắc trong hành xử để người dân tự phòng ngừa tội phạm, bảo vệ mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.