(HNM) - Thành phố luôn cẩn trọng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để có được một phương án kiến trúc, đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bảo đảm hài hòa lợi ích của thành phố, nhà đầu tư và người dân; xứng tầm là biểu tượng, điểm nhấn cho Thủ đô. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn về chủ trương đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Phương án kiến trúc phải có giá trị cao
Những ngày này, dư luận xã hội cũng như giới kiến trúc sư đang quan tâm đến phương án kiến trúc vừa được Hội đồng Tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo lựa chọn để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt (phương án 3 mang phong cách kiến trúc Đông Dương). Dự án có điểm đầu tại ngã năm phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên.
Trong văn bản mới nhất góp ý với UBND thành phố Hà Nội, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo cần phải trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại. Trong khi đó, phương án 3 được đơn vị tư vấn đưa ra không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương, mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng nệ cổ, pha trộn nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu.
Thay mặt Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn đề xuất, nếu vẫn tiếp tục phát triển theo hướng đã lựa chọn thì phải chỉnh sửa để đạt các yêu cầu: Có hình thái tiếp biến bản sắc Việt Nam kết hợp với hiện đại, không bị trùng lắp với các công trình cùng dạng đã có.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, Chủ tịch Hội đồng Tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo cho biết, việc tìm phương án kiến trúc đã được UBND thành phố chỉ đạo triển khai từ năm 2017 theo đúng quy trình, quy định của Luật Xây dựng. Hội đồng Tuyển chọn gồm 15 thành viên, trong đó có thành viên nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đại diện các hội nghề nghiệp (Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư…) và các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường. Trong 3 phương án tiêu biểu đề xuất, phương án 1 và 2 chỉ được 1/15 thành viên lựa chọn. Phương án 3 được 13/15 thành viên lựa chọn bởi thiết kế cổ điển phù hợp với tiêu chí là cây cầu có tính chất văn hóa, kết nối cảnh quan các công trình kiến trúc cổ điển đặc trưng kiểu Pháp và Đông Dương hiện có tại khu vực Nam sông Hồng với khu vực phát triển hiện đại Bắc sông Hồng, không lặp lại kiến trúc của các cây cầu hiện có và đang nghiên cứu dọc tuyến sông Hồng, sông Đuống. Tuy nhiên, đây chưa phải là phương án cuối cùng để phê duyệt dự án đầu tư mà chỉ là phương án định hướng, sơ bộ ban đầu, sẽ hoàn thiện dần. Sắp tới, thành phố Hà Nội sẽ xem xét tổ chức triển lãm, lấy ý kiến của người dân để có sự đồng thuận.
“Theo đó, sẽ lấy ý kiến theo 2 hướng. Thứ nhất, đóng góp thẳng vào phương án để làm tốt lên. Thứ hai, nếu có phương án nào khác hẳn, độc đáo theo đúng tiêu chí của thành phố thì Hội đồng sẽ xem xét để chọn ra phương án tốt nhất, đẹp nhất, là biểu tượng của thành phố”, ông Nguyễn Trúc Anh thông tin.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tổng hợp, rà soát, củng cố toàn bộ hồ sơ về phương án kiến trúc để báo cáo Ban Cán sự đảng UBND thành phố phục vụ báo cáo Thường trực Thành ủy. Hiện nay, UBND thành phố chưa chấp thuận, phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Hài hòa các lợi ích
Liên quan đến dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, một nội dung cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là thành phố chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, trước đây, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương giao Công ty cổ phần Him Lam nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, hình thức đầu tư theo hợp đồng BT đã bị bãi bỏ. Đồng thời, thành phố chưa dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2025; trong đó, phần vốn nhà nước chiếm không quá 50%.
Giải thích thêm về chủ trương đầu tư theo cơ chế PPP, loại hợp đồng BOT, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nhu cầu nguồn vốn đầu tư công cho các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật của thành phố là rất lớn (chiếm khoảng 30% nhu cầu đầu tư phát triển), trong khi khả năng đáp ứng từ ngân sách thành phố còn hạn chế. Chủ trương chung của Chính phủ và thành phố Hà Nội là đẩy mạnh đầu tư xã hội hóa để phát triển kết cấu hạ tầng. Trong số các dự án cầu vượt sông Hồng mà thành phố đang dự kiến đầu tư theo quy hoạch, có 2 dự án có thể kêu gọi được theo phương thức PPP, BOT là cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, dù triển khai theo phương thức nào thì vẫn phải bảo đảm hài hòa, phù hợp lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.
“Thành phố giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt chỉ là một trong rất nhiều bước trong quá trình triển khai dự án đầu tư. Điều này không đồng nghĩa với việc Him Lam đã được giao là nhà đầu tư (chủ đầu tư), mà là nhà đầu tư được giao nghiên cứu hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Nếu chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Him Lam vẫn phải tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP, BOT theo đúng các quy định pháp luật hiện hành” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.