Nồi áp suất có nguy cơ cháy nổ nếu không đảm bảo kỹ thuật và được sử dụng, vệ sinh không đúng cách. Nên đậy kín chặt nắp nồi khi đun, xả bớt hơi để giảm áp suất trước khi mở.
Thường xuyên sử dụng nồi áp suất để hầm cháo cho con, chị Thùy, quận 2, TP HCM, không tránh khỏi dở khóc dở cười vì sự bất cẩn của mình. Một lần nấu xong, chị mở nồi ra bỏ thêm một ít đồ ăn vào hầm, rồi chỉ đậy nắp lại mà không xoay nắp nồi để nhấn nút đóng (Close). Vừa đun được một lát thì chị nghe tiếng nổ phát ra từ trong bếp. Nguyên nhân là do hơi trong nồi thổi nắp bay ra.
"May là lúc đó mình không có mặt trong bếp nên không sao. Tôi rút ra kinh nghiệm là phải đậy nắp kỹ, vặn nắp đúng chiều để nắp đóng thật kín, kiểm tra van xem trước khi nấu", chị Thùy cho biết.
Chia sẻ trên một diễn đàn, một thành viên cho biết cách đây vài tháng có mua một nồi áp suất của một cửa hàng ở gần nhà, không rõ nguồn gốc. Một lần đang ninh xương bình thường thì nồi bị nổ, xương và nước văng tung tóe khắp nhà.
"May mắn là lúc đó không có ai ở cạnh nồi. Mọi người khi mua hàng nhớ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng rõ ràng và đặc biệt là phải kiểm tra phần van của sản phẩm", thành viên này đưa ra lời khuyên.
Nồi áp suất với công năng tiện lợi có thể giúp giảm đáng kể thời gian đun nấu, tiết kiệm nhiên liệu, giữ được các chất bổ dưỡng trong thức ăn, ninh thực phẩm thơm ngon, nhanh nhừ... nên được sử dụng khá nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những trường hợp nổ nồi áp suất, bị bỏng do sử dụng nồi áp suất cũng không phải là hiếm.
Theo PGS. TS Hoàng Đình Chiến, Khoa Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa TP HCM, nguy cơ cháy nổ do sử dụng nồi áp suất là hoàn toàn có thể xảy ra. Về cơ chế, nồi áp suất là loại nồi nấu có nắp đậy kín. Khi nấu, hơi trong nồi tăng cao nhưng không thoát ra ngoài được nên áp suất tăng lên và kéo theo nhiệt độ trong nồi tăng cao. Khi áp suất đến ngưỡng chịu đựng thì phải có một bộ phận là van hạ áp, hay còn gọi là xu-páp đảm bảo việc cân bằng áp suất. Nếu van xả có vấn đề thì rất dễ gây nổ khi có áp suất lớn.
"Nồi áp suất cần đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, roan không bị lão hóa, nồi phải kín hơi, nắp nồi không bị cong vênh, van xả phải an toàn, không bị nghẹt. Trong quá trình sử dụng, cần đặc biệt lưu ý đến van xả. Phải giữ sạch van, không để hoen rỉ, có thể kiểm tra bằng cách nhấp lên nhấp xuống, nếu thấy không đảm bảo thì cần phải thay mới. Việc thay thế cũng tuân thủ quy trình kỹ thuật, đúng loại, đúng cỡ, không tự động thay thế bằng dụng cụ khác", PGS Chiến chia sẻ.
Ngoài ra, theo PGS Chiến, một nguy cơ nữa của nồi áp suất là khi đang đun nấu mà mở nắp đột ngột cũng có thể gây cháy nổ.
Nhiệt độ trong nồi áp suất có thể lên tới khoảng 150 độ C. Để đảm bảo an toàn, khi đun chín thức ăn rồi, cần phải ấn nút van lớn để xả hơi giúp giảm áp suất đi, sau đó từ từ vặn ra để thoát áp suất. Có thể dùng một cây đũa gỗ lắc lắc van cho xì hơi từ từ, giúp cân bằng áp suất rồi mới mở nắp ra.
Theo anh Tuấn Anh, tư vấn viên của một cửa hàng điện máy tại quận 3, TP HCM, trên thị trường hiện nay có nhiều loại nồi áp suất với nhiều tính năng khác nhau, mỗi loại nồi áp suất có một hướng dẫn sử dụng riêng. Người tiêu dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Cần mua loại hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có độ tin cậy cao.
Một số lời khuyên được tư vấn viên này khuyến cáo khi sử dụng nồi áp suất:
- Trước khi sử dụng, phải đậy nắp kỹ, vặn nắp đúng chiều để đóng thật kín, kiểm tra lại các van xem nó có nghẹt không. Nếu thấy hơi thoát ra từ nắp và thân, nghĩa là nắp đậy chưa kín, cần phải kiểm tra lại.
- Nồi áp suất đun bằng bếp, phải tắt lửa chờ cho hết bớt hơi rồi mới mở nắp để tránh bùng hơi. Nên nghiêng sang một bên, không để mặt, để tay trực diện vào gần nồi khi mở nắp vì hơi nóng có thể gây bỏng.
- Lượng nước cạn nhanh hơn thời gian sôi bên ngoài, bốc hơi nhanh hơn bình thường nên phải lưu ý thời gian nấu, không để cạn nước, dẫn đến cháy hỏng nồi. Nếu cần, nên dùng đồng hồ hẹn giờ để nhắc nhở thời gian.
- Cần chú ý vệ sinh nồi áp suất trong quá trình sử dụng, lau chùi kỹ roan, thông van thường xuyên, không để thức ăn, bụi bẩn làm tắc van, gây bít lỗ xì hơi, dễ dẫn đến cháy nổ.
- Lượng thức ăn khi cho vào nồi không được quá nhiều. Đặc biệt với những loại thực phẩm có độ nở to, tạo bọt nhiều... thì thường được giới hạn không quá 2/3 dung tích nồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.