(HNM) - Nhận diện hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập qua hội thảo khoa học diễn ra tuần qua, dưới góc nhìn lý luận và thực tiễn, các nhà nghiên cứu văn hóa chỉ rõ, với tốc độ giao lưu văn hóa diễn ra nhanh với bên ngoài, Việt Nam có điều kiện, cơ hội để học hỏi cái hay, cái đẹp song cũng khó tránh khỏi những
Cải biên văn hóa?
Nhìn nhận bản sắc dân tộc và ý thức kiên trì gìn giữ bản sắc dân tộc là một giá trị bền vững trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, ông Nguyễn Thụy Loan (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhìn nhận: "Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta cần cảnh giác với một số hiện tượng để việc khai thác, tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc không bị biến dạng thành những việc làm phản giá trị. Những năm gần dây, nhiều lễ hội hoặc việc tôn tạo, xây dựng đền chùa miếu mạo, đúc tượng, làm tượng đài kỷ niệm… thường chú trọng tới tính hoành tráng và mang tính phô trương. Cách làm này vừa lãng phí tiền của, công sức của nhân dân, vừa không đi vào thực chất của những giá trị văn hóa, vừa gây tổn hại tới những giá trị văn hóa khác đáng được gìn giữ và đề cao như đức cần kiệm, lòng nhân ái".
Giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập luôn được giữ gìn, đề cao nhưng cần cảnh giác sự biến dạng. Ảnh: Bá Hoạt |
Đồng quan điểm trên, ông Đào Hùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay băn khoăn: "Đi đến đâu cũng thấy đình chùa được xây dựng lại với quy mô bề thế hơn, quanh năm suốt tháng chúng ta bận rộn với những lễ hội được phục hồi và những ngày kỷ niệm. Sau khi lễ hội kết thúc, liệu nó còn lưu lại được gì trong lòng người dân đối với truyền thống văn hóa của mình? Thế nên mới có hiện tượng, nơi nào chưa có lễ hội truyền thống thì cố tìm cho bằng được tài liệu để phục dựng một cái gì đó gọi là gắn với truyền thống".
Đề cao vai trò của sân khấu âm nhạc, song ông Nguyễn Đăng Nghị (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật) phân tích: "Sân khấu ca nhạc nước nhà trong thời gian qua đang đi chệch với những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã từng vun đắp, làm mờ dần bản sắc văn hóa dân tộc trong thời hội nhập. Nguy hại hơn, những hạn chế đó ngày càng chiếm ưu thế vượt trội trong việc dẫn dắt thẩm mỹ của công chúng nước nhà".
Đề cao quá mức cái tôi cá nhân
Cùng với sự "làm mới" yếu tố văn hóa truyền thống thì việc đề cao quá mức cái tôi cá nhân trong thời đại ngày nay cũng là mối nguy hại đối với văn hóa Việt Nam được các nhà khoa học cảnh báo.
Theo ông Lê Trung Kiên (Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), trên các diễn đàn văn học nghệ thuật những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các tác giả đào sâu vào thế giới nội tâm của con người, khẳng định cá tính của cá nhân con người và khơi dậy những nhu cầu cá nhân trong xã hội ngày càng phát triển. Thậm chí đã xuất hiện nhiều tác phẩm đề cập tới các vấn đề của dục tính - một đề tài mà trước đây được xem là phản giá trị trong lĩnh vực thẩm mỹ - đạo đức. Những đề tài này thu hút đông đảo công chúng thưởng thức (đặc biệt là giới trẻ), do đó nó mang lại lợi nhuận cao cho nhà sản xuất, mà khi có được lợi nhuận thì các nhà sản xuất tiếp tục kích thích các loại hình đề tài này phát triển. "Tuy nhiên, không phải vì để khẳng định vẻ đẹp của cái "tôi" mà nét đẹp vốn có của cái "chúng ta" bị phai mờ, quên lãng. Giá trị thẩm mỹ trong xã hội ngày nay yêu cầu phải có đồng thời hai yếu tố đó" - ông Lê Trung Kiên nói.
Chỉ rõ "cái tôi" đang dần lấn át "cái ta" trong xã hội đương thời, ông Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) lo lắng: "Khi người ta quá quan tâm đến bản thân mình thì họ sẽ trở nên ích kỷ và lãng quên những lợi ích tập thể".
Sự phân tích của các nhà khoa học không phải không có lý khi mà hằng ngày chúng ta vẫn chứng kiến không ít người vi phạm an toàn giao thông mặc cho sự an toàn của cộng đồng, cố tình xả rác, hút thuốc lá nơi công cộng…
Nhìn ra thế giới
Theo các nhà khoa học, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự biến đổi các giá trị văn hóa là điều hiển nhiên chúng ta phải thừa nhận, điều quan trọng là phải tìm ra biện pháp thích ứng.
Ông Đặng Minh Liên (Viện Phim Việt Nam) nói: "Dù muộn, chúng ta hãy học tập kinh nghiệm của Nhật Bản. Họ bảo vệ được tinh hoa văn hóa dân tộc là bởi họ "thoát Á", mở cửa hội nhập với văn minh công nghiệp duy lý phương Tây. Hàn Quốc, Singapore... với cách đi tương tự cũng đã vươn lên thành nước giàu mạnh cả kinh tế và văn hóa. "Thoát Á" ở đây không phải là rời bỏ truyền thống Á đông mà là thoát khỏi cái hạn chế trói buộc của hệ hình cũ, tàn tích cũ".
Ở góc độ khác, ông Lê Thanh Bình (Học viện Ngoại giao) kiến nghị, các cơ quan chức năng nên xây dựng một bộ tiêu chí về hệ giá trị văn hóa Việt Nam trên cơ sở kế thừa được các tiêu chí trước đây, đồng thời phù hợp với thời đại ngày nay. Theo ông Lê Thanh Bình, bộ tiêu chí hệ giá trị văn hóa phổ quát chung cho toàn xã hội mà mọi người cần hướng đến và thực hiện, đó là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, khiêm. Đối với phái nữ có thể là: Công, dung, ngôn, hạnh, tinh tế, duyên dáng, nhu thuận, đảm đang. Đối với những người có vị trí lãnh đạo thì ngoài hệ tiêu chí phổ quát cần thêm như: Tâm đẹp, tầm xa, tuệ sáng, tài cao, trách nhiệm, vì dân vì nước, trình độ văn hóa quốc tế. "Nếu làm đúng, bài bản và lâu dài thì bộ tiêu chí này sẽ góp phần triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách Nhà nước và tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy nền văn hóa Việt Nam phát triển lành mạnh" - Ông Lê Thanh Bình tin tưởng.
Một vài ý kiến trên cho thấy, bản sắc văn hóa là hiện tượng có sức tồn tại lâu dài, bền vững nhưng đồng thời cũng có những thay đổi theo thời cuộc, song sự thay đổi đó cần dựa trên nền tảng truyền thống để tránh những "cú sốc" không đáng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.