Được tin cô cháu con ông anh trai vừa thi đỗ hai trường đại học, chị Vân (ở Thuận Thành, Bắc Ninh) vội ra Hà Nội chúc mừng.
Vừa đến nơi, trái ngược với tưởng tượng, không khí trong nhà anh chị khá nặng nề, ông anh mặt đầy nộ khí, còn chị dâu thì đang gắt gỏng:
- Con với cái, mới nứt mắt đã cứng đầu. Học kinh tế là hợp thời, ra trường bố lo cho công việc không sướng à? Học trường y, mài đũng quần 6-7 năm, ế chỏng chơ ra đấy con ạ.
Cô cháu gái mếu máo:
- Nhưng mà con muốn trở thành bác sĩ...
Ông bố đập bàn đánh "rầm": "Không bàn nữa, đi học kinh tế quốc dân, không thì ở nhà…".
Nhìn cháu gái bưng mặt chạy lên gác, chị Vân không khỏi xót xa. Hỏi ra mới biết, vì bố cháu là giám đốc một doanh nghiệp nên chiều ý bố, kỳ thi đại học vừa rồi cháu thi vào Trường Kinh tế quốc dân, đồng thời "thi thêm" Đại học Y Hà Nội. Khi cả hai trường gửi giấy báo nhập học thì "chiến tranh" đã xảy ra trong ngôi nhà vốn rất bình yên này. Chị Vân lựa lời khuyên giải anh chị, cuối cùng cô cháu gái cũng được toại nguyện.
Trong thư gửi Người Xây Dựng, chị Vân bày tỏ: "Định hướng nghề nghiệp cho con cái là trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ, nhưng cũng cần tôn trọng sở thích, nguyện vọng của con. Khi người ta có niềm đam mê với công việc, nghề nghiệp mà mình lựa chọn, sẽ phát huy hết năng lực và chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu trong công tác. Điều quan trọng là gia đình, cha mẹ phải thật sự là điểm tựa cho con cái phấn đấu, trưởng thành, chứ không nên áp đặt một cách cứng nhắc như anh và chị dâu của chị…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.