Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tính toán kỹ lưỡng

Sơn Trà| 05/03/2011 07:55

(HNM) - Việc UBND TP Hà Nội đang xem xét Dự án xây dựng hầm đường bộ rộng 18-20m, với 4 làn xe, dài hơn 1,5km nối bờ Bắc và Nam sông Hồng tại đầu phố Trần Hưng Đạo - Long Biên đang thu hút sự quan tâm của dư luận với hàng loạt vấn đề như kinh phí, hiệu quả giao thông, chất lượng công trình…


Nút giao thông đầu phố Trần Hưng Đạo dự kiến đặt đường hầm vượt sông Hồng.

Ông Phạm Văn Thành (tổ 10, phường Giang Biên, quận Long Biên): Cần có thêm nhiều cây cầu qua sông Hồng

Tại nhiều thành phố trên thế giới có sông chạy ngang qua như Praha (CH Séc), Seoul (Hàn Quốc)… những cây cầu vượt sông được xây dựng san sát, khiến dân cư sống ở hai bên bờ sông không có cảm giác bị ngăn cách. Trên tuyến sông Hồng qua Hà Nội, cần phải xây dựng thêm nhiều cây cầu nữa. Còn việc xây dựng cầu nổi hay đường hầm vượt sông, cần cân nhắc, tính toán nhiều yếu tố để làm sao có lợi nhất.

Bà Trần Thị Tuyết Nga (hẻm 200/15 Nguyễn Sơn, quận Long Biên): Chất lượng công trình phải được ưu tiên hàng đầu

Hầm Kim Liên vào sử dụng, đã xảy ra tình trạng ngập nước mỗi khi trời mưa. Việc xây dựng hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn cũng bị trục trặc, bởi những sự cố về kỹ thuật như lún đoạn hầm hở chữ U, nứt bốn đốt hầm ngay trong quá trình thi công… khiến người dân không khỏi lo ngại về sự an toàn của hầm khi đưa vào vận hành. Nếu xây dựng đường hầm vượt sông Hồng, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cần quan tâm hàng đầu tới tư cách, khả năng của các đơn vị thi công, nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho công trình để phát huy hiệu quả giao thông.

Ông Trương Thanh Bình (kỹ sư xây dựng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm): Hầm đường bộ vượt sông Hồng là hợp lý

Mặc dù không có nhiều tàu lớn qua lại, nhưng sông Hồng có dòng chảy phức tạp, mực nước thay đổi nhiều lần trong năm ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn cho các mố cầu. Đặc biệt, đoạn sông Hồng qua Hà Nội có nhiều bãi cát nổi lớn cũng ảnh hưởng tới dòng chảy của sông. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn của tàu và xà lan đâm vào mố cầu. Vì vậy, việc nghiên cứu để xây dựng hầm ngầm vượt sông, giảm mật độ mố cầu nổi trên một đoạn sông ngắn là một giải pháp hợp lý, cần được xem xét thấu đáo.

Bà Trịnh Vân Anh (28 Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình): Cần cân nhắc chọn vị trí đặt hầm đường bộ

Nếu lấy lý do xây dựng hầm đường bộ sẽ giảm chi phí giải phóng mặt bằng hai bên đầu cầu so với xây dựng cầu nổi, có vẻ không hợp lý. Ở đầu đường Trần Hưng Đạo, khu vực Tây Kết tập trung khá đông dân cư, lại có nhiều nhà xây dựng kiên cố. Hơn nữa, đây là khu vực có hai bệnh viện lớn: Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện 108. Việc xây dựng một siêu công trình với quy mô lớn và thời gian dài tại đây chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của hai bệnh viện này, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Do vậy nên cân nhắc chọn vị trí xây dựng dự án tại những khu nhiều năm nay vẫn nằm "chờ" quy hoạch, không có nhiều công trình xây dựng mới, kiên cố, không tập trung trường học, bệnh viện như: Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Phúc Tân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tính toán kỹ lưỡng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.