(HNM) - Hiện tượng các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc ồ ạt thu mua các loại nông sản, thực phẩm trên thị trường trong nước thời gian qua đang thu hút sự quan tâm, phân tích và đánh giá đa chiều...
Thương lái Trung Quốc thua mua vải tươi tại Việt Nam.Ảnh: Chí Hiếu
- Ông có nhận xét gì về việc DN Trung Quốc thu mua nông sản trong nước?
- Những tháng qua, thương nhân Trung Quốc đã vào sâu trong nội địa, chủ động tìm mua nông sản với khối lượng lớn và hoạt động này vẫn đang tiếp tục, xét về mặt cung - cầu thuần túy thì đây là vấn đề dễ hiểu vì có bên mua ắt có bên bán. Hơn nữa, giá bán nông sản của nông dân theo nguyên tắc thuận mua vừa bán nếu không muốn nói là có chút được giá. Thực tế này có lợi cho nhà nông bởi năm nay nhiều loại nông sản được mùa, đưa ra thị trường một khối lượng rất lớn hoa quả, gạo, thủy sản, trong khi đây lại là những mặt hàng không thể để lâu, khó tồn trữ an toàn. Vì vậy, nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ gây thiệt hại.
Tuy nhiên, cần nhận định rằng, DN Trung Quốc đang áp dụng phương thức thu mua gom từ các vùng nguyên liệu rồi tập trung lại. Nhưng, họ không trực tiếp mua mà thông qua khâu trung gian là bạn hàng, đối tác hoặc thuê người là dân bản địa vùng nguyên liệu mua gom. Sau đó, nông sản được chở lên biên giới và làm thủ tục xuất hàng.
- Theo ông, có bất ổn nào do hoạt động này gây ra?
- Hoạt động xuất hàng qua biên giới có những đặc thù là thường xuyên, thông qua đường bộ và trong đó hàng hóa thường được thanh toán bằng tiền mặt giữa các bạn hàng quen thuộc với nhau. Chính đặc điểm này đã gây ra một số vấn đề đáng ngại, thiệt hại cả về kinh tế cũng như trật tự an ninh vùng biên. Cụ thể, DN Trung Quốc tự đổi tiền của mình sang tiền Việt để thanh toán trực tiếp cho người bán hàng. Lượng tiền quy đổi luôn tỷ lệ thuận với lượng hàng họ mua, nên ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến lượng cung tiền mặt và tính ổn định về tỷ giá trên thị trường. Mặt khác, do DN tự thỏa thuận đổi tiền theo tỷ giá tự do mà không qua ngân hàng nên gây khó cho công tác theo dõi, định lượng, quản lý nhà nước, đồng thời ngân sách mất một tỷ lệ phí giao dịch, đổi tiền nhất định. Ngược lại, nếu hai bên mua - bán thanh toán qua ngân hàng sẽ mang lại kết quả tích cực vì Nhà nước quản lý, đánh giá được về lưu lượng tiền qua lại và đây cũng là mục đích hướng tới cho các địa phương giáp biên.
Cách mua - bán nói trên dễ xảy ra tình trạng bên mua đã nhận hàng nhưng đề nghị bên bán cho thanh toán chậm, rồi sau đó “quên” không thanh toán. Điều này do nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, thậm chí rất bất ngờ và tước mất khả năng khắc phục, truy tìm hay khiếu kiện của bên bán. Các cơ quan cũng khó giúp giải quyết khi xảy ra cơ sự như vậy, từ đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
- Vậy tại sao các DN “nội” không thu mua? Bộ Công thương có động thái gì trước thực tế trên?
- Vấn đề DN “ngoại” mua nông sản của ta không mới, bởi thực tế cho thấy phần lớn DN nội còn thiếu năng lực về nhiều mặt, nhất là tài chính, khả năng tổ chức thu mua, vận chuyển, bảo quản, chế biến cũng như công tác điều tra thị trường để tìm đầu ra cho nông sản chế biến. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã phân tích khá rõ về tình trạng này, nêu cả hình ảnh nhà máy chế biến hoa quả “ngủ” tại vùng trồng vải Bắc Giang như một minh chứng cụ thể. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo trước việc thiếu quyết tâm đầu tư và tâm lý nóng vội, thích làm nhanh, bán nhanh của DN nội. Mặt khác, hiện chưa hình thành sự liên kết hoặc ràng buộc chắc chắn để tạo ra sự bảo đảm cung - cầu giữa hai bên là nhà nông và DN nên dễ xảy ra tình trạng khi được giá bà con bán luôn cho đối tác nào trả giá cao mà quên nghĩa vụ với DN đã đặt mua từ trước. Ngược lại, nếu gặp khó khăn đột xuất, DN cũng có thể “quên” nông dân. Đây là quan hệ lỏng lẻo. Thiết nghĩ, DN nên huy động nguồn lực để hỗ trợ, tham gia đầu tư cho sản xuất ngay tại vùng nguyên liệu để “nuôi” nguồn nguyên liệu và phát triển bền vững hơn.
Bộ Công thương luôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tăng cường hiệu quả quản lý, hướng tới việc tạo điều kiện tốt nhất cho bà con sản xuất, tiêu thụ nông sản, bảo đảm cung - cầu. Bộ đã có công văn gửi Sở Công thương các tỉnh, yêu cầu theo dõi diễn biến thị trường nông sản, thực phẩm, kiểm soát chặt việc thu gom, xuất khẩu nông sản, thực phẩm qua biên giới; phối hợp với cơ quan chức năng để khuyến khích người chăn nuôi đẩy mạnh tái tạo đàn, nhanh chóng tăng nguồn cung; chủ động có phương án, kiến nghị giải pháp bảo đảm nguồn cung nông sản, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ…
Sản xuất, tiêu thụ nông sản là câu chuyện lớn, lại bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khách quan, khó đoán trước, nên rất cần chính sách, cơ chế phù hợp, sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, DN và nông dân.
- Xin cảm ơn ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.