Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng

Lê Hoàn| 04/06/2012 06:41

(HNM) - Sau hơn 3 năm thực hiện Thông báo số 223-TB/TƯ ngày 14-2-2009 của Bộ Chính trị (khóa X), cả nước đã có 638 xã, phường, thị trấn (417 xã, 167 phường, 54 thị trấn) thực hiện mô hình bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND, trong đó tại TP Hà Nội có 37 đơn vị (19 xã, 16 phường, 2 thị trấn).

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã là mô hình mới, được TƯ thí điểm nhằm mục đích đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất và kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của Nhà nước, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, việc thực hiện chủ trương này được tiến hành tại 20-30% số huyện, quận, phường thí điểm không tổ chức HĐND. Các tỉnh, TP còn lại sẽ chọn, thực hiện thí điểm 2-3% số xã, thị trấn (nơi có tổ chức HĐND).

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch (Quốc Oai - Hà Nội) Đỗ Văn Cảnh chia sẻ, điều cốt yếu nhất là phải nắm rõ nguyên tắc, phương thức lãnh đạo để vào "vai" phù hợp. Còn Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy - Hà Nội) Nguyễn Quang Hồng cho rằng, mô hình này giúp tăng tính chủ động của người đứng đầu trong khâu chỉ đạo, điều hành; vai trò lãnh đạo của cấp ủy toàn diện; cơ chế: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" vận hành nhịp nhàng hơn. Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, sau một thời gian, những người được "chọn mặt gửi vàng" đã khẳng định được vai trò lãnh đạo; công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng suôn sẻ hơn. Tại 37 đơn vị làm điểm đều ổn định tình hình, kinh tế phát triển và nội bộ đoàn kết. Đánh giá trên phạm vi cả nước, cũng cho thấy ưu điểm của mô hình này giúp cho công tác chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của UBND đồng bộ, linh hoạt hơn; khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hay tình trạng cấp ủy bao biện, làm thay thậm chí buông lỏng vai trò lãnh đạo với chính quyền. Mô hình này tăng trách nhiệm và sự phối hợp của đội ngũ cán bộ địa phương, giải quyết công việc nhanh, hiệu quả.

Phải lựa chọn được người đủ tầm và có tâm

Từ kết quả thí điểm tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái thừa nhận, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn những vấn đề hạn chế cần khắc phục. Tại không ít địa phương, công tác điều hành hoạt động của bộ máy UBND còn lúng túng, nhất là ở những nơi các chức danh phó - người giúp việc cho bí thư, chủ tịch ít kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, người gánh hai "vai" nếu trước đó là chủ tịch UBND việc điều hành không bị xáo trộn, nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng nghị quyết của cấp ủy. Đánh giá trên phạm vi của cả nước, vẫn còn một số cấp ủy và cán bộ chủ chốt chưa nhận thức sâu sắc về chủ trương này nên quá trình tổ chức thực hiện còn chậm. Năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn bất cập, gây khó khăn trong việc lựa chọn cán bộ đảm nhận vị trí này. Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng còn bất cập, chưa khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ hăng hái nhận nhiệm vụ.

Kinh nghiệm mà Hà Nội và các tỉnh, TP rút ra khi thí điểm nhất thể hóa chức danh lãnh đạo là phải lựa chọn được cán bộ đủ tầm và có tâm. Sự thành công của mô hình phụ thuộc vào trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của người đứng đầu. Tuy nhiên, khi một người gánh hai "vai" dễ gặp áp lực trong công việc và cũng dễ xảy ra tình trạng lạm quyền, vi phạm nguyên tắc của Đảng. Vì vậy, để tránh tình trạng lạm quyền, vượt quyền, đòi hỏi các địa phương cần xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của bí thư kiêm chủ tịch; đồng thời cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát.

Việc thí điểm mô hình mới chỉ áp dụng đối với các địa phương có phong trào tốt, quy mô dân số vừa phải, tình hình ổn định, thời gian thí điểm chưa dài (chỉ có 3 năm), nên chưa bộc lộ hết những ưu, khuyết điểm. Vì vậy, tiếp tục chỉ đạo mở rộng phạm vi áp dụng mô hình này sẽ cho kết quả toàn diện hơn. Các địa phương đã đề nghị TƯ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện đồng bộ chủ trương này; có chế độ phụ cấp đặc thù, tương xứng với công việc, nhiệm vụ cán bộ đảm nhận, đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các địa phương thí điểm để ngăn ngừa, khắc phục những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.