(HNMCT) - Nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ được biết đến như là một “đô thị miền sông nước” điển hình. Gần đây, Cần Thơ đã và đang đầu tư cho những sản phẩm chuyên biệt để bứt khỏi sự trùng lặp sản phẩm với các địa phương khác trong vùng. Một trong những sản phẩm được xác định là du lịch đường sông với những địa danh đã làm nên tên tuổi như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền...
“Venice của phương Đông”
Năm 2015, Cần Thơ từng vinh dự được trang Mysterious World ca ngợi là một trong những thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới với chợ nổi và cảnh giao thương tấp nập. Tháng 11-2018, thành phố bên sông này lại được trang Earthnworld - tạp chí chuyên chia sẻ về những danh thắng, cảnh đẹp tự nhiên trên thế giới bình chọn là 1 trong 10 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới. Và đến tháng 8-2019, một lần nữa, Cần Thơ lại được trang chia sẻ ảnh trực tuyến Getty Images đưa vào danh sách 15 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới, cùng với những địa danh nổi tiếng như Venice (Ý), St. Petersburg (Nga), Amsterdam (Hà Lan), Birmingham (Anh)...
Sau chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, chị Ilina Adesaeva, du khách người Nga thốt lên: “Thành phố này quá tuyệt vời với khu chợ nổi sầm uất trên sông, giống như một “Venice của phương Đông” vậy. Đó là một khung cảnh vừa bình dị, vừa thơ mộng mà tôi từng ao ước đặt chân đến khi xem qua các trang du lịch nổi tiếng thế giới. Không những thế, ẩm thực và con người nơi đây cũng để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng tốt đẹp...”.
Được hình thành từ cách đây gần trăm năm cùng với thành phố Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng từ lâu đã thu hút khách du lịch bởi sự độc đáo và thú vị của nó. Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km, chỉ mất khoảng 30 phút khởi hành bằng thuyền từ bến Ninh Kiều, du khách đã đến chợ nổi Cái Răng để tận mắt thấy mọi hoạt động giao thương của người dân khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên khu chợ này. Chợ diễn ra trên sông, chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Ngay từ mờ sáng, hàng trăm ghe xuồng đã tụ họp mua bán tấp nập.
Điều làm nên nét đặc trưng, độc đáo của chợ nổi này là rất khó tìm được những tấm biển quảng cáo trên các ghe, thuyền. Người bán chỉ cần treo những sản vật mình có lên cây “bẹo” (cây tre) là người mua có thể nhận biết và tìm đúng mặt hàng mình cần. Nhìn vào cây “bẹo”, người ta có thể biết được chủ ghe đó bán hoa quả, nông sản hay đồ ăn, thậm chí có những ghe thay chức năng của một ngôi nhà nổi với cả gia đình sinh sống trên đó. Với những giá trị văn hóa mang đậm tính bản địa sâu sắc đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, chợ nổi Cái Răng luôn được xem là biểu tượng du lịch của Cần Thơ. Năm 2016, văn hóa chợ nổi Cái Răng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát triển du lịch đường sông
Thành phố Cần Thơ nằm dọc con sông Hậu, kéo dài 55km - là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông. Không chỉ nổi tiếng với chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ còn được biết đến với nhiều địa danh nổi tiếng khác như chợ nổi Phong Điền, bến Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ, Thiền viện Trúc Lâm phương Nam, đình Bình Thủy, cầu Cần Thơ, chùa Ông, mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa... Suốt dọc chiều dài con sông còn có rất nhiều vườn sinh thái như Làng du lịch Mỹ Khánh, cồn Sơn, rạch Chuối... mà du khách có thể ghé thăm và thưởng thức những loại trái cây phong phú. Đấy chính là những điều kiện thuận lợi để Cần Thơ có thể phát triển thành các sản phẩm chuyên biệt, thu hút du khách bằng sự hấp dẫn, độc đáo của mình.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Cần Thơ đã và đang đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông xuất phát từ bến Ninh Kiều đến các điểm du lịch, vườn trái cây, trong đó phổ biến nhất là 2 tuyến chính: Tuyến Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Điền được nhiều công ty du lịch lữ hành khai thác tốt, sản phẩm tương đối đa dạng. Tuyến thứ hai là Ninh Kiều - Bình Thủy.
Hiện nay, thời gian lưu trú của du khách tại Cần Thơ chủ yếu từ 1 - 2 ngày, số lượng lưu trú từ 3 ngày trở lên rất ít do thiếu các hoạt động về đêm, các điểm du lịch vẫn thiếu tính hấp dẫn... Thực tế trên đòi hỏi ngành Du lịch thành phố Cần Thơ phải có sản phẩm đặc thù cùng với sự đa dạng hóa các hoạt động để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Do đó, Cần Thơ ưu tiên phát triển hai sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch đường sông và du lịch MICE thông qua việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2030”.
Từ tháng 7 đến 12-2019, Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đường sông như: Huy động các đơn vị, chủ tàu tham gia xây dựng, khai thác tuyến du lịch đường sông; nâng cao số lượng và chất lượng các tàu phục vụ du lịch; mở lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng xử cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, người điều khiển phương tiện vận chuyển khách du lịch; tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư sống ven sông trong việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường; vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch bố trí thùng rác, xây dựng điểm đến xanh - sạch - đẹp; cải thiện tình trạng ô nhiễm của hệ thống kênh rạch; kiểm tra, xử phạt các hành vi xả rác trên sông, tại các bến tàu, nhà chờ đón khách...
Sau khi tham gia một lớp bồi dưỡng kỹ năng đón tiếp khách du lịch, bà Phạm Thị Bé Năm, chủ một tàu chở khách tại bến Ninh Kiều cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ biết nhận và đưa khách đi tham quan theo lịch trình. Nhưng sau khi tham gia lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng xử với du khách, tôi và các thành viên trong gia đình biết rằng, việc đón tiếp khách chu đáo, thân thiện và chuyên nghiệp sẽ giúp công việc của chúng tôi thuận lợi hơn. Cùng với đó, chúng tôi cũng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường cho dòng sông này. Nếu để sông bị ô nhiễm, chắc chắn chúng tôi sẽ là những người bị ảnh hưởng đầu tiên...”.
Để du lịch đường sông trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu của Cần Thơ, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong, bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện, Cần Thơ nên đầu tư, xây dựng chiến lược phát triển các lễ hội văn hóa sông nước mang tầm quốc gia và quốc tế để tạo thành điểm nhấn thu hút du khách. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng đến sản phẩm du lịch trải nghiệm đời sống thương hồ tại các chợ nổi Cái Răng và Phong Điền nhằm nêu bật được tính văn hóa bản địa, từ đó định vị du lịch đường sông là sản phẩm độc đáo, chuyên biệt của Cần Thơ. Đó sẽ là sản phẩm của tương lai và không bị trùng lặp với bất cứ địa phương nào khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.