(HNM) - Những quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 đang được đưa ra xin ý kiến của cơ quan chức năng và người dân trước khi trình Quốc hội thảo luận.
Chị Vũ Thị Mai (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức): Thêm áp lực đối với người lao động nghèo
Trong khi Luật Cư trú năm 2006 chỉ đòi hỏi thời gian tạm trú liên tục tại thành phố từ một năm trở lên, có chỗ ở hợp pháp không quy định diện tích tối thiểu, thì Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú đã thắt chặt bằng điều kiện người muốn nhập hộ khẩu vào Hà Nội phải có chỗ ở hợp pháp, với diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 3 năm trở lên. Đây là những điều kiện tương đối khó khăn. Bởi, với nhiều người làm thuê, việc tìm được chỗ ở trong thành phố đã là quá tốt, nói gì đến diện tích phải đạt 5m2/người. Không ít người là công chức, viên chức hay lao động hợp đồng không thời hạn buộc phải đi thuê nhà, nhưng liệu thu nhập của họ có đủ để trang trải phí thuê nhà với diện tích 5m2/người? Ràng buộc này sẽ kéo theo hàng loạt những khó khăn khác khi hộ khẩu thường trú không có, con cái của họ không có chỗ học hành và họ sẽ không an tâm làm việc… Tôi rất mong các cơ quan chức năng hãy nhìn vào điều kiện thực tế về thu nhập của người lao động mà có quy định cho phù hợp với thực tế hơn.
Anh Nguyễn Văn Trung (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông): Chỉ là giải pháp tình thế
Theo tôi, những quy định này chỉ là giải pháp tạm thời để hạn chế việc tăng dân số cơ học, chứ không phải là giải pháp lâu dài. Trong khi cơ chế, chính sách của chúng ta chưa bảo đảm được đời sống cho người lao động thì quy định như vậy còn thêm gánh nặng cho người dân. Để giảm sức tăng dân số cơ học, điều quan trọng là phải bảo đảm để mức thu nhập, các dịch vụ xã hội giữa các địa phương không chênh lệch nhau nhiều; Hà Nội và các TP lớn khác phải giãn mật độ dân số khu trung tâm ra vùng ngoại thành, các cơ quan, trường học, bệnh viện cũng phải phân bố lại. Nếu không thực hiện được điều này thì mọi người vẫn phải dồn về nội thành để làm việc, để dễ kiếm tiền hơn… và những quy định về nhập cư nói trên càng khiến ranh giới giàu - nghèo thêm phần rõ rệt.
Bà Hoàng Thúy Hằng (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng): Quyền tự do cư trú phải trong khuôn khổ luật định
Không thể phủ nhận, Luật Cư trú năm 2006 đã có những hạn chế gây nhiều bất cập cho các cơ quan quản lý nhà nước, nên việc sửa đổi, bổ sung luật là đòi hỏi khách quan. Tôi đồng ý với quan điểm, mỗi cá nhân đều có quyền tự do cư trú, nhưng tự do phải trong khuôn khổ pháp luật, phải đáp ứng được yêu cầu chung của xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều người ở nông thôn không có việc làm, đành ra thành phố kiếm việc làm, sinh ra một bộ phận người lao động có thu nhập thấp, không có nơi ở ổn định hoặc phải sống ở những khu nhà tạm cư với điều kiện không bảo đảm… nên không thể ràng buộc, khống chế số người nhập khẩu vào các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ bằng các biện pháp quản lý hành chính, mà cần phải tạo công ăn, việc làm ổn định cho những người trong độ tuổi lao động ở tất cả các địa phương, hạn chế tình trạng người dân phải ra thành phố kiếm việc làm.
Ông Vũ Thành (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì):Siết chặt điều kiện nhập cư để ổn định xã hội
Trong khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng dịch vụ của các đô thị như: giáo dục, y tế, điện, nước… đều đã quá tải, thì việc hạn chế số người nhập cư vào Hà Nội nói riêng và các thành phố trực thuộc trung ương nói chung là điều hết sức cần thiết. Đất nước của chúng ta còn nghèo, chưa có điều kiện để có thể cùng một lúc đáp ứng được yêu cầu cho tất cả mọi người thuộc các giai tầng xã hội khác nhau nên chúng ta cần phải có sự lựa chọn sao cho hiệu quả nhất. Việc siết chặt các điều kiện về đăng ký thường trú vào các thành phố lớn là việc phải làm để bảo đảm quyền lợi của cả người dân thành phố hiện tại và người có nhu cầu đăng ký thường trú mới. Hà Nội cũng như nhiều TP lớn khác đang quá tải về nhiều mặt, cần có sự sắp xếp, ổn định để tăng "độ bền" cho quá trình phát triển, do vậy siết chặt vấn đề nhập cư là điều cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.