Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết luật hóa các quy định phòng, chống dịch tại Nghị quyết số 30/2021/QH15

Mai Hữu| 06/01/2023 11:36

(HNMO) - Sáng 6-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 còn khó khăn

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) nhận định, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 với tinh thần khẩn trương, chủ động, linh hoạt với những giải pháp chưa có tiền lệ; áp dụng các cơ chế đặc cách, đặc thù phòng, chống dịch, trong đó có 7 nghị quyết đặc thù về việc mua vắc xin.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, việc ban hành Nghị quyết liên quan đến vắc xin mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của trung ương chứ chưa ban hành văn bản để giải quyết được các vướng mắc về công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Cụ thể là chưa ban hành các văn bản hướng dẫn mua sắm các vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch khẩn cấp tại địa phương. Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương giải quyết khó khăn này; quy định giá vật tư tiêu hao trong bối cảnh chúng ta tiếp tục phải đối mặt với các dịch bệnh khác.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đang xảy ra hiện tượng cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định thanh, kiểm tra sau dịch bệnh. “Tôi đi giám sát địa phương, anh em y tế nói thanh tra, kiểm toán, công an chỉ dựa trên quy định hiện hành chứ không áp dụng các quy định của Nghị quyết số 30/2021/QH15. Trong khi thời kỳ dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hàng hóa y tế rất ít, phải tranh nhau, dùng các mối quan hệ để mua phục vụ phòng, chống dịch”, đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, gốc rễ của vấn đề là từ cơ chế mua sắm thuốc, thiết bị y tế có rất nhiều nút thắt, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch cũng như ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của ngành Y tế. Đại biểu cho rằng chính đại biểu Quốc hội cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc xây dựng luật liên quan đến vấn đề này, dẫn đến phải có cơ chế chủ động, linh hoạt phòng, chống dịch bệnh như Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định. Do đó, đại biểu cho rằng cần nâng cấp những nội dung của Nghị quyết số 30/2021/QH15 thành luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tương lai.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) nêu thực tế, sau khi Nghị quyết số 30/2021/QH15 ra đời, việc hướng dẫn của bộ, ngành, địa phương còn chậm; bên cạnh việc hướng dẫn của một số địa phương tính toán chưa kỹ, chưa chặt chẽ nên việc thực hiện còn khó khăn. Nhất là việc thanh quyết toán cho người chữa bệnh Covid-19, cán bộ y tế cấp cơ sở, người tham gia phòng, chống dịch chưa kịp thời. “Sau khi đi giám sát việc thực hiện tại một số địa phương, có thể thấy rằng Nghị quyết số 30/2021/QH15 đi vào thực tiễn còn gặp khó khăn. Sự phối kết hợp giữa các sở, ngành còn vướng”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Tăng cường tính chủ động và trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) mong muốn Quốc hội đồng ý với đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhưng xem xét thay đổi cơ chế lưu hành thuốc để người dân kịp thời tiếp cận thuốc mới, phác đồ điều trị mới.

Về về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) nhất trí việc cho phép tiếp tục thanh toán chế độ, chính sách cho người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và chi phí phòng, chống dịch Covid-19 theo lộ trình ghi tại dự thảo nghị quyết.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách ở một số địa phương còn khó khăn, như trong việc xác định đối tượng tham gia, xác định ngày công tham gia chống dịch ở mỗi địa phương lại có cách thực hiện khác nhau. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí phòng, chống dịch, cũng như dễ kiểm tra, giám sát. Đồng thời Chính phủ phải sớm giải quyết, hỗ trợ kinh phí để thanh quyết toán; các chế độ chính sách cho cán bộ y tế phải quan tâm hơn nữa.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) phát biểu.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, từ thực tiễn dịch bệnh Covid-19, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, nghiên cứu ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp; trong đó quy định thẩm quyền Chính phủ, các cơ quan, địa phương trong xử lý các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai... nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước những tình huống khẩn cấp khách quan.

Đồng thời, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện; quan tâm tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống y tế ở cơ sở; có phương án xử lý đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn tồn dư so với nhu cầu, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí; tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác để chủ động ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết luật hóa các quy định phòng, chống dịch tại Nghị quyết số 30/2021/QH15

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.