(HNMO) - Sáng 7-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Nhiều đại biểu cơ bản tán thành việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân được bình đẳng lựa chọn biển số xe theo sở thích và thông qua đấu giá tăng thêm hiệu lực công tác quản lý đăng ký xe ô tô cá nhân và làm tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cân nhắc nội dung liên quan đến thừa kế
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này với 209 lượt đại biểu phát biểu. Vì thế, các đại biểu cần tập trung vào tên gọi dự thảo Nghị quyết, về trường hợp tham gia đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá và các nội dung khác.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này là đúng thẩm quyền vì mục đích là để thí điểm một số nội dung còn vướng mắc so với quy định tại một số luật hiện hành như quy định về cấm mua bán biển số xe cơ giới như tại Khoản 2, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Quy định về đấu giá tài sản công, trường hợp chỉ có một người duy nhất tham gia đấu giá như tại Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016…
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về việc hoàn tiền trúng đấu giá khi người trúng đấu giá chết nhưng biển số chưa được đăng ký, cân nhắc sửa theo hướng linh hoạt hơn là có thể trao quyền cho người nhận thừa kế của người trúng đấu giá được lựa chọn phương án khoản tiền hoặc là được thừa kế biển số trúng đấu giá. Đồng thời, cân nhắc nới lỏng quy định theo hướng người được cho, tặng, nhận thừa kế được phép giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác…
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đề cập đến nội dung liên quan đến thừa kế. Đại biểu cho biết, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết quy định người trúng đấu giá có quyền được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế xe để đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình. Theo đại biểu, khi chuyển nhượng, cho, tặng thì có thể giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác, nhưng khi để lại thừa thế, tức là người trúng đấu giá đã qua đời thì làm sao có thể giữ lại để đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình như dự thảo Nghị quyết quy định. Vì lý do này, đại biểu đề nghị bỏ trường hợp thừa kế trong quy định này.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn nội dung tại Điều 4 về quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe quy định… Theo đó, người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe của mình mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là không phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng bày tỏ băn khoăn liệu số xe trúng đấu giá đã nhận chuyển nhượng sẽ được dùng vào việc gì và cơ quan chức năng quản lý biển số xe này như thế nào? Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng quy định người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình như quyền của người đã trúng đấu giá sau khi chuyển nhượng, cho, tặng xe của mình cho người khác.
Làm rõ quyền tài sản của người dân sau khi trúng đấu giá
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị ban soạn thảo thống nhất về thuật ngữ biển số đấu giá và biển số đưa ra đấu giá. Bên cạnh đó, về giá khởi điểm, đại biểu thống nhất với báo cáo thẩm tra là 40 triệu đồng. Về quy định người trúng đấu giá có các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do hạn chế quyền tài sản của người dân sau khi trúng đấu giá là theo quy định của pháp luật nào? Đại biểu đề nghị bổ sung quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số xe để gắn sang xe khác trong trường hợp xe bị hỏng, bị mất, bị thu hồi; đồng thời đề nghị quy định rõ người được thừa kế có phải trả lại biển số trúng đấu giá; được quyền cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn hay không?
Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) bày tỏ nhất trí với việc ban hành dự thảo Nghị quyết, trong đó thống nhất với tên gọi theo đề nghị của Ủy ban Quốc phòng - An ninh trong việc điều chỉnh lại tên gọi thành “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô”. Theo đại biểu, tên gọi này vừa bảo đảm tính bao quát các nội dung của dự thảo Nghị quyết, vừa bảo đảm tính ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Ngoài ra, tại các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe, người được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số xe trúng đấu giá, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng chủ thể có quyền, nghĩa vụ là người đang sở hữu biển số trúng đấu giá, còn đối tượng để thực hiện quyền, nghĩa vụ là biển số trúng đấu giá chứ không phải chiếc xe ô tô đang đăng ký biển số đó.
Cho ý kiến về công tác quản lý biển số được đấu giá, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay, việc đăng ký và được cấp biển kiểm soát có số đăng ký theo tỉnh, thành phố mà chủ xe có trụ sở hoặc cư trú. Khi sang tên, chuyển địa chỉ sang tỉnh, thành phố khác thì phải thực hiện việc đăng ký sang tên, cấp đổi đăng ký và nộp lại biển số đã được cấp để xin cấp lại biển số ở tỉnh, thành phố nơi chuyển. Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị quyết thì việc cấp biển số xe sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, đây là thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện nhưng chưa được đánh giá tác động.
Tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu cảm ơn những ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công an sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến về một số nội dung chính như: Tên gọi Nghị quyết, phạm vi thí điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, biển số xe được đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước, việc quản lý, sử dụng tiền thu được thông qua đấu giá, quy trình thủ tục đưa ra đấu giá…
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo lên Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong phiên thảo luận đã có 14 lượt đại biểu phát biểu, 1 đại biểu phát biểu tranh luận. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Chính phủ, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.