(HNMO) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, chiều 6-8, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tổ chức khai trương hoạt động khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) được kết nối với 5 điểm cầu, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các bệnh viện thực hiện giãn cách, phân luồng, sàng lọc người bệnh.
Ngoài ra, trong giai đoạn dịch như hiện nay, một trong những giải pháp giúp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, phòng lây nhiễm chéo, nâng cao công tác điều trị, chẩn đoán, đặc biệt là giúp cho người dân tuyến dưới được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, việc triển khai thực hiện khám, chữa bệnh từ xa đóng vai trò rất quan trọng.
Ngay tại buổi khai trương, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã xin ý kiến hội chẩn từ các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội về trường hợp một bé gái (55 tháng tuổi ở Phú Thọ) bị thông liên thất. Căn bệnh đã khiến bệnh nhi chậm tăng cân, thể trạng gầy yếu, nhất là thường xuyên bị viêm phổi, viêm phế quản tái diễn nhiều lần.
Từ điểm cầu của Bệnh viện Tim Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc bệnh viện, sau khi nghe báo cáo và xem bệnh án, các kết quả xét nghiệm, siêu âm, X-quang... của bệnh nhi, đã đưa ra chỉ định, với trường hợp này, để bảo đảm an toàn cho người bệnh không thể áp dụng phẫu thuật nội soi mà phải chỉ định can thiệp phẫu thuật tim mở (qua động mạch phổi), đồng thời thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể... để từ đó tìm tổn thương thông liên thất và vá lỗ thông.
Ngay lập tức, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã chuyển bệnh nhi đến phòng phẫu thuật. Toàn bộ hình ảnh từ cuộc can thiệp được truyền trực tiếp từ phòng phẫu thuật Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ về đầu cầu Bệnh viện Tim Hà Nội để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí từng bước. Cuối cùng, ca can thiệp tim mạch đã diễn ra thành công.
Bệnh viện Tim Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ đầu ngành tim mạch, hỗ trợ phát triển chuyên ngành tim mạch cho 60 bệnh viện, trung tâm y tế thuộc Hà Nội.
Ngoài ra, bệnh viện cũng đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành tim mạch, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 16 bệnh viện vệ tinh. Hiện nay, 30 bệnh viện đã gửi công văn đăng ký tham gia mạng lưới tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Tim Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.