Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả thực chất

Thống Nhất| 18/01/2015 05:48

(HNM) - Đến thời điểm này, các trường tiểu học trên toàn quốc đã áp dụng việc đánh giá học sinh bằng nhận xét thay cho điểm số theo tinh thần của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT được một học kỳ.



Phía cơ quan quản lý đã thể hiện sự sát sao trong điều hành bằng việc liên tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn và khảo sát thực tế nhằm kịp thời gỡ rối cho cơ sở. Theo ghi nhận thực tế và ý kiến đánh giá của các trường, áp lực học tập đối với học trò giảm, song với đội ngũ giáo viên (GV) thì cường độ làm việc và sự trăn trở, âu lo chưa giảm là bao.

Việc triển khai đánh giá học sinh theo cách mới giúp học sinh hứng thú hơn trước, trong và sau mỗi giờ học. Ảnh: Bảo Kha


Thêm nhiều việc

Hầu hết GV các trường tiểu học, khi được hỏi, đều cho biết sự vất vả khi áp dụng cách thức đánh giá mới đối với HS, nhất là vào thời điểm cuối học kỳ I, bởi phải nhận xét tỉ mỉ từng HS, từ đó chọn ra những HS tiêu biểu để khen thưởng. Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT quy định mỗi HS cần được đánh giá, nhận xét theo ba nội dung, gồm quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục; mức độ hình thành, phát triển năng lực; mức độ hình thành, phát triển phẩm chất. Theo hướng dẫn của Bộ

GD-ĐT, việc đánh giá, khen thưởng HS căn cứ vào ý kiến đánh giá của bản thân HS, của các bạn trong lớp và đánh giá của phụ huynh. Điều này vấp phải sự phản ứng khá mạnh từ dư luận. Chị Nguyễn Thu Anh, phụ huynh có con học lớp 3, Trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa) cho rằng: Việc yêu cầu các con tự đánh giá, hay bình bầu, chọn lựa các bạn trong lớp để tuyên dương, khen thưởng là việc chưa cần thiết, không phù hợp đối với trẻ độ tuổi tiểu học. Để trẻ bình bầu nhau cũng có nghĩa buộc trẻ phải cân nhắc, "đong đếm" xem bạn nào hơn bạn nào, dẫn đến sự so sánh giữa các bạn trong lớp. Trẻ nhỏ luôn thích được khen, vì thế, khó tránh tình trạng bạn này không được bình bầu nên buồn, ảnh hưởng đến thái độ học tập, rèn luyện.

Việc lấy ý kiến từ phụ huynh để đánh giá HS cũng khiến nhiều người chưa đồng tình, cho rằng không cần thiết, không hiệu quả và làm tăng thêm sự vất vả của GV. Tâm lý chung của hầu hết phụ huynh là có phần thiên vị cho con, ngoài ra, cũng không ít người còn có tâm lý phó mặc cho nhà trường nên không làm theo yêu cầu, hoặc làm cho xong chuyện. Một phó hiệu trưởng trường tiểu học thẳng thắn cho rằng: Việc thu thập ý kiến phụ huynh ở các trường là không dễ và cũng chỉ triển khai ở mức độ hạn chế. So với năm học trước, GV tiểu học phải xử lý khối lượng công việc nhiều hơn, vì vậy, nếu có yêu cầu này cũng chỉ cố gắng làm cho có. Vị phó hiệu trưởng này cho rằng hiện nay đa số HS tiểu học học bán trú, vì vậy kênh thông tin từ GV là quan trọng nhất, nhưng để bảo đảm chất lượng đánh giá, GV cần quan tâm kết hợp nhiều hình thức đánh giá (qua quan sát, theo dõi, qua kết quả thực hiện nhiệm vụ…).

Nặng nề nhất là những GV chuyên biệt dạy các môn: Thể dục, âm nhạc, mỹ thuật. Mối lo này đã hiển hiện từ những ngày đầu điều chỉnh cách thức đánh giá, đến nay chưa cải thiện nhiều. Thực tế, đa phần các trường tiểu học đều có quy mô hơn 1.000 HS. Mỗi môn chuyên biệt thường chỉ có 2 GV, chia ra, mỗi GV dạy ít nhất 500-600 HS. Việc nhớ tên HS đã khó, chưa nói đến việc phải nhận xét hằng tháng với từng HS theo ba nội dung quy định đã nhắc ở trên.

Sáng kiến từ cơ sở

Đánh giá chung từ đoàn công tác của Bộ GD-ĐT sau khi khảo sát thực tế một số trường tiểu học tại Hà Nội đầu tháng 1-2015 về việc triển khai đánh giá HS theo cách mới là bài bản và có nhiều thuận lợi. Các giờ học nhẹ nhàng hơn, HS có hứng thú hơn trước và sau mỗi giờ học. Kết quả sơ kết học kỳ I của Phòng GD-ĐT tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho thấy, chất lượng giáo dục cơ bản ổn định, không có đột biến so với cùng kỳ năm học trước. Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học cho biết khi mới triển khai, hầu hết GV đều cầu toàn, ghi nhận xét tỉ mỉ từng HS, rất vất vả. Để giảm sức lao động mà vẫn bảo đảm các yêu cầu, Hà Nội cho phép GV được chủ động vận dụng linh hoạt, nhận xét bằng "lời nói" đối với kết quả HS thực hiện trong quá trình học bài, trả lời câu hỏi trên lớp hoặc "viết" nhận xét trong các bài kiểm tra viết, vở bài tập, phiếu học tập... Yêu cầu đối với việc ghi nhận xét là ngắn gọn và rõ ba yêu cầu: Mức độ kết quả đạt được của HS; sự động viên khuyến khích; sự định hướng giúp đỡ của GV đối với HS. GV cũng không nhất thiết phải đánh giá tất cả HS hằng tháng, chỉ cần lưu ý thường xuyên đến những HS cần sự trợ giúp. Đáng chú ý là, việc nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục không đòi hỏi GV phải ghi nhiều và xác định không phải ghi cho phụ huynh, HS đọc. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, mấu chốt của việc ghi chép là để mỗi GV có căn cứ để kịp thời tìm biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng HS, giúp HS tiến bộ, vì vậy, GV có thể chọn cách ghi phù hợp để đạt mục đích.

Ngoài việc triển khai theo chỉ đạo chung, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm) đã có sáng kiến riêng. Bà Bạch Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết mỗi GV chuyên biệt của trường đều có riêng một cuốn nhật ký ghi những điều cần quan tâm nổi bật hằng ngày khi lên lớp. Nhờ thế mà dù không dạy thường xuyên, song GV không để bỏ sót HS. Quá trình đánh giá tổng hợp, bàn giao chất lượng HS giữa GV chuyên biệt và GV chủ nhiệm vào cuối học kỳ nhẹ nhàng hơn.

Một số trường khi đánh giá HS cuối kỳ đã thiết kế và sử dụng phiếu trắc nghiệm để gửi cho HS và phụ huynh. Mẫu phiếu được thống nhất chung, gồm 3 nội dung cần đánh giá HS theo quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. Trong mỗi yêu cầu của từng nội dung lại gồm các tiêu chí: Tự phục vụ; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề. Căn cứ vào năng lực thực tế, HS, phụ huynh lựa chọn để tích vào từng tiêu chí theo 3 cấp độ: Có/ không/cần giúp đỡ. Nếu HS đều đạt "có" ở các tiêu chí là đạt yêu cầu, và ngược lại, nếu nhiều tiêu chí có dấu tích "không" hoặc "cần giúp đỡ" thì GV phải xem xét lại phương pháp của mình.

Mỗi cơ sở đều đã thể hiện sự ủng hộ đối với chủ trương tạo thuận lợi nhất cho học trò. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian hơn để đánh giá hiệu quả thực chất của cách thức đánh giá mới đối với HS tiểu học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.