(HNMCT) - Mới đây, Liên đoàn Thể dục Việt Nam (VGF) và Công ty cổ phần Next Media đã cùng ký vào bản hợp đồng hợp tác. Đây không phải lần đầu tiên có cái bắt tay giữa một liên đoàn thể thao quốc gia với một doanh nghiệp truyền thông. Và rõ ràng, với nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao khác, cần có thêm những cái bắt tay như vậy.
Hy vọng vào bước chuyển mới
Câu chuyện nhằm huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của thể dục Việt Nam đã được đề cập trong nhiều năm qua. Người ngoài cuộc cũng nhìn thấy tiềm năng rõ rệt từ nhóm môn mà Liên đoàn Thể dục Việt Nam quản lý, trong đó có Khiêu vũ thể thao, Thể dục nghệ thuật, Thể dục dụng cụ, Thể dục Aerobic. Các giải đấu khiêu vũ thể thao luôn thu hút đông đảo khán giả và luôn "cháy vé", giàu tiềm năng quảng bá, khai thác hình ảnh khi sở hữu dàn VĐV hội tụ cả yếu tố khỏe, đẹp, tài năng. Không kể, thành tích của các VĐV thể dục trong nhiều năm qua thực sự ấn tượng, là điểm cộng đáng kể trong hồ sơ kêu gọi tài trợ.
Theo Liên đoàn Thể dục Việt Nam, tại SEA Games 31 - năm 2022, VĐV các môn Thể dục dụng cụ, Thể dục nghệ thuật, Khiêu vũ thể thao, Thể dục Aerobic đã giành được 12 HCV, 8 HCB, 13 HCĐ. Đội tuyển Thể dục Aerobic ghi dấu ấn lịch sử với tấm huy chương vàng vô địch Thế giới năm 2022; giành 5 HCV, 7 HCB ở Giải vô địch châu Á năm 2022. Trước đó, môn Thể dục dụng cụ có 2 suất tham dự Olympic Tokyo 2020; cùng môn thể dục Aerobic giữ vững vị trí số 1 Đông Nam Á...
Thực tế đó dẫn tới câu hỏi, vì sao những môn thể thao hấp dẫn nói trên với nhiều VĐV có bảng thành tích đầy ấn tượng lại chưa thể lan tỏa đến với nhiều người? Vì sao các sân chơi của Liên đoàn Thể dục Việt Nam như mảnh ruộng màu mỡ nhưng ít được cấy trồng tương xứng? Phó Tổng giám đốc Next Media Đỗ Thanh Tùng cho biết, dù là môn thể thao thế mạnh, đầy tiềm năng nhưng cũng giống như nhiều môn thể thao khác, mức độ lan tỏa hình ảnh, khả năng kêu gọi đầu tư của các môn thể dục còn hạn chế.
Thực tế trong nhiều năm qua, khả năng kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ Liên đoàn Thể dục Việt Nam có sự hạn chế nhất định. Chỉ đến thời gian gần đây, khâu này của Liên đoàn mới có chuyển biến tích cực, như gần nhất là cái bắt tay giữa Liên đoàn Thể dục Việt Nam với Next Media.
Nhiều kỳ vọng
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt kể, Liên đoàn Thể dục Việt Nam cùng Tổng cục TDTT đã tích cực tìm kiếm đối tác nhằm hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các VĐV, HLV cũng như cho các hoạt động của Liên đoàn. Việc hợp tác giữa Liên đoàn Thể dục Việt Nam với Next Media sẽ không dừng lại ở sự phát triển về chuyên môn của HLV, VĐV, mà còn đem lại hình ảnh tích cực cũng như nguồn lực xã hội hóa cho Thể dục Việt Nam. Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam Trần Chiến Thắng cũng hy vọng rằng, các môn thể dục tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn sau khi hợp tác với Next Media.
Theo Phó Tổng Giám đốc Next Media Đỗ Thanh Tùng, trước mắt Next Media sẽ truyền thông cho các giải đấu, qua đó lan tỏa hình ảnh của môn thể thao Olympic cơ bản này tới đông đảo công chúng, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu, kêu gọi tài trợ để phát triển các môn thể dục. Tất nhiên, cái bắt tay giữa Liên đoàn Thể dục Việt Nam với Next Media sẽ chỉ thành công khi hai bên “cùng thắng” trong thời gian tới.
Cũng phải kể thêm, ngoài các môn thể dục, nhiều môn thế mạnh, giàu tiềm năng của thể thao Việt Nam chưa có được mức độ lan tỏa hình ảnh, khả năng kêu gọi đầu tư, tài trợ chưa đúng với kỳ vọng. Có thể điểm qua những môn thể thao có thể thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp truyền thông để khai thác hình ảnh, thương mại như cử tạ, các môn võ thuật (wushu, pencak silat, kickboxing, muay...). Trong những môn kể trên, có môn đã thành lập Liên đoàn quốc gia (cử tạ), có môn chưa hoặc đang trong quá trình vận động thành lập Liên đoàn quốc gia, như kickboxing, muay.
Vấn đề là cần có sự năng động của người trong cuộc nhằm tạo dựng hình ảnh để thu hút sự chú ý của các đơn vị muốn hợp tác. Đương nhiên, trong việc tạo dựng hình ảnh, điều quan trọng hàng đầu là phải luôn xây dựng giải đấu "sạch", đội ngũ HLV, VĐV “sạch” - không dính đến những vụ lùm xùm cả trong và ngoài sân đấu. Trưởng bộ môn pencak silat (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) Trần Thu Hương khẳng định: Rất cần sự minh bạch trong công tác điều hành các giải đấu cấp độ quốc gia để tạo ấn tượng tốt với doanh nghiệp muốn đầu tư cho bộ môn. Nếu không, hình ảnh của bộ môn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ở một khía cạnh khác, chính các liên đoàn thể thao cần thể hiện sự chủ động, sáng tạo khi tìm kiếm doanh nghiệp hợp tác. Nói vậy là bởi hiện nay, nhiều liên đoàn thể thao vẫn tỏ ra bị động trong việc này, nên luôn thiếu nguồn lực để hỗ trợ các đội tuyển mỗi khi chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế.
Hiểu theo cách khác, dư địa để khai thác hình ảnh, khai thác thương mại từ nhiều môn thể thao ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Vấn đề vẫn là khát khao, khả năng tổ chức thực hiện việc này của chính nhà quản lý các bộ môn được đánh giá là thế mạnh, giàu tiềm năng của thể thao Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.