Bất động sản

Cần thêm “cú hích” phục hồi thị trường bất động sản

Dạ Khánh 29/08/2023 - 09:45

8 tháng năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành đã có hàng loạt cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, từ cơ chế, chính sách đến hiệu quả thực thi vẫn còn khoảng cách.

akari-city-2-scaled.jpg
Doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Khảo sát hơn 500 doanh nghiệp bất động sản cho thấy, các cơ chế, chính sách vẫn đang dừng ở giai đoạn “tiếp cận”, cần thêm những cú hích cụ thể để thị trường bất động sản hồi phục.

Theo kết quả khảo sát tác động của các cơ chế, chính sách đối với nguồn cung, tâm lý nhà đầu tư, nguồn vốn, trong hơn 500 doanh nghiệp bất động sản, 43% doanh nghiệp đánh giá “có tác động tích cực tới nguồn cung bất động sản” và 57% đánh giá “tác động ở mức độ bình thường”.

Mặc dù cuối quý II-2023, đầu quý III-2023 đã xuất hiện thông tin các dự án mở bán tại một số địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng..., nhưng xét về tổng thể, trong 8 tháng qua, việc khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân chưa được giải quyết triệt để.

Xét về bản chất, các cơ chế, chính sách vẫn đang dừng lại ở giai đoạn “tiếp cận” và tháo gỡ “lớp ngoài” đối với nguồn cung.

Trong khi đó, về tâm lý nhà đầu tư, chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Các doanh nghiệp còn lại đều nhận định, khách hàng, nhà đầu tư vẫn “thận trọng” trước khi quyết định do không thấy được sự chuyển biến thực sự và rõ rệt của thị trường.

Cùng với các vấn đề về pháp lý, nguồn vốn cũng là khó khăn dai dẳng, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản trong suốt thời gian qua. Qua khảo sát, có tới hơn 70% doanh nghiệp cho biết các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa tác động tới doanh nghiệp.

Nguyên nhân là do một nhóm doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn vẫn đang bị vướng mắc về pháp lý của dự án. Do đó, cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý trước.

Thêm vào đó, lãi suất ở ngưỡng cao, mặc dù ngân hàng đã được điều chỉnh giảm nhiều lần trong thời gian qua. Trong khi nhóm doanh nghiệp còn lại không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn do còn khoản nợ đọng trước đó.

Trong 30% doanh nghiệp ghi nhận “tác động tích cực của chính sách”, hầu hết thuộc nhóm cần giải quyết các vấn đề liên quan đến phát hành trái phiếu. Thực tế, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5-3-2023 của Chính phủ đã giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp. Và sau một số động thái của Ngân hàng Nhà nước, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi.

Ngành bất động sản đứng thứ 2 trong tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng năm 2023 với 26.055 tỷ đồng, chiếm 33%. Nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn thời gian trả nợ. Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ. Theo các chuyên gia, nếu các vấn đề của thị trường không được giải quyết một cách triệt để, doanh nghiệp sẽ khó có thể tiếp cận cũng như hấp thụ nguồn vốn mới bởi cùng với các khó khăn của thị trường, sức khỏe doanh nghiệp bất động sản đã suy yếu từ lâu.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, 50% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch; 21% gặp khó khăn về pháp lý đất đai; 22% gặp khó khăn về vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng.

Để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, các chuyên gia cho rằng, cần thêm nhiều giải pháp thực sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Các hành động này phải thật nhanh, dứt khoát và triệt để, tránh tình trạng ngắt quãng, khiến đà phục hồi bị mất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thêm “cú hích” phục hồi thị trường bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.