Ngày 27-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho biết, diễn biến ngành chăn nuôi lợn của thế giới trong các tháng đầu năm 2023 cho thấy, sản lượng giết mổ có dấu hiệu sụt giảm, tồn kho lợn còn nhiều. Tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 ước đạt 769,7 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng thịt lợn toàn cầu dự kiến đạt 114,8 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022.
Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đã đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp. Sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu xuất khẩu.
Hiện, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest...) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín.
Sản lượng lợn hơi từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đạt khoảng 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Các địa phương phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn là: Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa...
Cơ cấu trong ngành chăn nuôi của Việt Nam: Lợn chiếm 60-64%, gia cầm chiếm 28-29%; phần còn lại là trâu, bò, dê, cừu... Với cơ cấu này, phần nào phản ánh nhu cầu, tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn của người tiêu dùng trong nước.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, với tiềm năng lớn về thịt lợn, Việt Nam vẫn đang tìm kiếm hợp tác tại thị trường này. Hiện, cả nước có 67 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…) 15-20%; chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi...) đã được đầu tư.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu: Thành phố có thuận lợi khi 58,6% là diện tích đất nông nghiệp. Quá trình đô thị hóa đang thu hẹp diện tích chăn nuôi, quy hoạch đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 54% khiến nguy cơ dịch bệnh lớn.
Để phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo hành lang pháp lý về tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi quy mô lớn; nghiên cứu các biện pháp xử lý tiêu hủy động vật nhiễm bệnh bằng công nghệ sinh học, vi sinh, phù hợp xu hướng toàn cầu về chăn nuôi an toàn.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
Đây cũng là những đề án có tính căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong thời gian dài. Ngoài ra, cần tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đối với thức ăn chăn nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế; công tác khuyến nông và xây dựng cơ bản. Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi hội nhập thế giới; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.