Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tăng cơ chế để giám sát phản biện hiệu quả hơn

Linh Nhi| 04/10/2016 17:04

(HNMO) - Ngày 4-10, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 10 (khóa VIII), với sự tham gia của nguyên Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; nguyên Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân vận TƯ Hà Thị Khiết, đại diện lãnh đạo Văn phòng TƯ Đảng, Ủy ban Kiểm tra TƯ, các vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.


Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng hai Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh và Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì hội nghị.

Hội nghị nhằm lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật MTTQ Việt Nam; Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội; góp ý vào Báo cáo tình hình nhân dân và đất nước Quý III-2016; dự thảo tờ trình của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam về xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH, ĐBĐND; góp ý phản biện vào Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; góp ý về sửa đổi Quy chế vận động, quản lý, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đại biểu góp ý vào Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là thể hiện sâu sắc trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với công tác tôn giáo, tập hợp đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại hội nghị, các đại biểu phát huy dân chủ, trí tuệ và nhiệt huyết, tập trung thảo luận sôi nổi và đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị về giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phương thức hình thức tiếp xúc cử tri thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí bằng những biện pháp mạnh, tinh thần kiên quyết; đại biểu chỉ rõ nguyên nhân, kết quả hạn chế và đề xuất nhiều biện pháp giải quyết các vấn đề về giáo dục đào tạo; y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm; an ninh xã hội, trật tự an toàn giao thông; tình hình nợ xấu…

Đại biểu Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nêu ý kiến, MTTQ và các tổ chức thành viên có nhiều nghị quyết liên tịch với các ngành chức năng, nhưng hiệu quả nhiều nghị quyết còn hạn chế. Cần tìm nguyên nhân do đâu, phát huy vai trò MTTQ để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp như thế nào. Nguyên Phó Chủ tịch, tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Vũ Trọng Kim đề nghị, công tác giám sát của Mặt trận cần có đại diện tiếng nói nhân dân và cần chọn vấn đề "nóng" để giám sát.

Về đổi mới giáo dục và đào tạo, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục Huỳnh Mai kiến nghị, bên cạnh việc đổi mới, cần chú trọng tính ổn định tương đối trong công tác này. Đặc biệt, đại biểu đóng góp nhiều ý kiến giải pháp, kiến nghị cơ chế chính sách để MTTQ thực hiện hiệu quả hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội. Đại biểu Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay công tác giám sát của MTTQ vẫn bị hạn chế và chủ yếu thông qua vai trò của thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng đối với những công trình nhỏ, dân sinh, những công trình dự án lớn, MTTQ còn thiếu cơ chế, trình độ chuyên môn để tham gia giám sát. Đại biểu Vũ Hồng Khanh kiến nghị, tham gia giám sát cùng MTTQ ở lĩnh vực nào cần có chuyên gia ở các lĩnh vực đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cơ chế để giám sát phản biện hiệu quả hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.