(HNM) - Tháng 6-2015, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đã xuất một đơn hàng trị giá 58.881 USD cho một doanh nghiệp Ai Cập có tên là Al-Reda Group for Trading and Development. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dù đã nhiều lần gửi yêu cầu thanh toán nhưng Al-Reda luôn né tránh với nhiều lý do.
Tương tự, một doanh nghiệp Việt Nam khác cũng có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với đối tác EchoPack INC, có địa chỉ tại Quebec, Canada. Các lô hàng xuất khẩu đều thanh toán qua Ngân hàng General Equity tại New Zealand.
Đây chỉ là một vài ví dụ về việc doanh nghiệp Việt Nam bị quỵt tiền trong giao dịch thương mại quốc tế thời gian qua, buộc các hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải lên tiếng cảnh báo. Điều đó cho thấy, hội nhập thương mại quốc tế, bên cạnh những lợi ích như mở rộng xuất khẩu, tiếp thu kinh nghiệm, năng lực, trình độ quản lý tiên tiến, công nghệ hiện đại... thì cũng có cả những cái "bẫy", mà nếu doanh nghiệp Việt Nam không tìm hiểu kỹ, không tỉnh táo, rất dễ "hàng đi, tiền không trở lại".
"Đồng tiền đi liền khúc ruột" nên tất nhiên, không ai khác ngoài doanh nghiệp có giao dịch phải cẩn trọng, song với giao dịch với đối tác nước ngoài thì vai trò của cơ quan quản lý rất quan trọng. Sau những vụ việc kể trên, Bộ Công Thương đã khuyến cáo cần ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của đối tác nước ngoài, đặc biệt là các đối tác tìm được qua kênh trung gian. Việc thẩm tra có thể qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra, ở trong nước có Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC; qua kênh của hiệp hội tại nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao...
Các doanh nghiệp cũng được lưu ý, cân nhắc các nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn phương thức, điều kiện thanh toán hợp lý, bảo đảm lợi ích của mình. Trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng như xác nhận thư tín dụng, bao thanh toán xuất khẩu... để có thêm sự bảo đảm cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ thêm việc tìm hiểu, đánh giá thông tin về nhà nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.