(HNM) - Ngày 8-5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội”.
Quyền lợi của người lao động sẽ được bảo đảm khi các doanh nghiệp đóng đầy đủ bảo hiểm theo quy định. Ảnh: Huy Anh |
Thông tin từ cuộc tọa đàm cho biết: Theo Luật BHXH, từ ngày 1-1-2016, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, sau hơn một năm Luật BHXH có hiệu lực, các tổ chức Công đoàn chưa khởi kiện thành công vụ nào. Số tiền nợ BHXH hiện nay lên tới 14 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia đã phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên, trong đó nổi lên là những vướng mắc về pháp lý, sự bất cập liên quan tới một số quy định trong 4 bộ luật, gồm Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn và Luật Tố tụng dân sự.
Cụ thể, hiện nay, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động bởi theo quy định, nguyên đơn phải là tổ chức Công đoàn cơ sở. Trong khi đó, cấp công đoàn cơ sở thường không đứng ra khởi kiện doanh nghiệp của mình.
Hệ thống tòa án quan niệm việc trốn đóng BHXH là hành vi bị cấm, trước tiên cần được xử lý bằng hình thức hành chính, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý theo khung tội danh hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 có các quy định liên quan hiện đang được sửa đổi nên không thể áp dụng.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm thống nhất giải pháp hàng đầu là sửa đổi Luật BHXH, theo đó, cần phải đưa ra quy định mới để việc khởi kiện không cần phải được sự ủy quyền của Công đoàn cơ sở, nguyên đơn có thể là Công đoàn cấp trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.