(HNM) - Vấn đề an toàn lao động (ATLĐ) hiện nay được điều chỉnh bởi các quy định từ Điều 95 đến Điều 108 Bộ luật Lao động, Nghị định 110/2002/NĐ-CP. Các văn bản này đều quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm ATLĐ. Tuy nhiên, tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong bảo đảm điều kiện ATLĐ ở Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề bất cập.
Các doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho người lao động. Ảnh: Khánh Nguyên |
Doanh nghiệp thờ ơ
Kết quả điều tra xã hội học "Các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế" mới đây của Bộ LĐ,TB&XH trên 75 doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh cho thấy, 63,2% DN đã có cam kết của lãnh đạo thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, chỉ có 54,7% số DN có chính sách để thực hiện các cam kết trên. Tỷ lệ này cao nhất ở ngành khai thác mỏ (76,7%), sau đó đến các ngành da giày - dệt may (61%) và thấp nhất ở ngành dịch vụ - thương mại (37,3%). Về công tác huấn luyện ATLĐ, 100% DN Khai thác mỏ thực hiện huấn luyện từ 6 tháng đến một năm một lần, kế tiếp đến ngành thủy sản (96,9%) và da giày - dệt may (95%). Song còn không ít DN chưa từng huấn luyện ATLĐ cho người lao động. Kết quả điều tra cũng cho thấy, có 46,8% người lao động cho rằng điều kiện lao động thực tế vẫn gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động, trong đó chủ yếu là do ảnh hưởng của bụi (70,4%), vi khí hậu (nóng bức khó chịu 53,7%, độ ẩm cao 23,1%), tiếng ồn (52,8%).
Từ kết quả trên, có thể thấy rõ sự thờ ơ của các DN trong công tác bảo đảm ATLĐ tại công trình, nhà máy, xí nghiệp. TS Phạm Thị Thúy Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, ngay tại Hà Nội, mặc dù mỗi năm thanh tra Sở LĐ,TB&XH phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hàng nghìn cuộc kiểm tra, có năm ra quyết định đình chỉ đối với khoảng 300 DN, nhưng công tác bảo đảm ATLĐ vẫn bị các DN xem nhẹ. Chỉ tính riêng trong năm 2011, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 123 vụ tai nạn, làm chết 35 người (tăng 17 vụ so với năm 2010). Tuy nhiên, theo các chuyên gia đó mới chỉ là số liệu báo cáo, còn thực tế số vụ tai nạn lao động xảy ra cao hơn nhiều. Nguyên nhân chính là do nhà thầu cũng như đơn vị thi công tắc trách, cố tình bỏ qua công tác bảo đảm ATLĐ nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, còn có thêm một nguyên nhân là do chế tài xử phạt còn quá nhẹ và chưa nghiêm. Ví như chuyện các DN nợ 2 tỷ đồng tiền bảo hiểm cho người lao động nhưng chỉ chịu khung hình phạt là 10 triệu đồng. Do vậy, nhiều DN sẵn sàng dùng 2 tỷ đồng này sinh lãi để nộp 10 triệu đồng tiền phạt.
Quyền lợi người lao động bị coi nhẹ
Thực tế kiểm tra ở nhiều DN cũng cho thấy quyền lợi hưởng BHXH của người lao động hiện vẫn chưa thực sự được bảo đảm. Việt Nam mới chỉ có 25 bệnh nghề nghiệp được Nhà nước bảo hiểm, trong đó có 4 bệnh mới được giám định năm 2007. Các bệnh nghề nghiệp chủ yếu mà người lao động mắc phải là bụi phổi Silic, điếc nghề nghiệp, viêm phế quản mãn tính. Số lượng bệnh nghề nghiệp như vậy là quá ít so với thực tế. Ở các nước Châu Âu, có 90-100 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, Trung Quốc có tới 119 bệnh.
Một vấn đề khác, theo quy định Luật Lao động, người lao động có quyền từ chối nhiệm vụ được giao nếu thấy không bảo đảm ATLĐ, đặc biệt sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp mà vẫn không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định, nhưng hiện nay ở nước ta, chưa một người lao động nào thực hiện quyền này.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, để thành công, hoạt động của các DN ngày nay phải đạt được cả ba mục tiêu: có trách nhiệm với hành tinh, con người và có lợi nhuận. Do đó, CSR được xem là một biện pháp hữu hiệu bảo đảm ATLĐ trong DN. Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng được bộ quy tắc ứng xử CSR nào, tuy nhiên, một số ít DN khi tham gia các quan hệ thương mại quốc tế đã tự nguyện cam kết một số bộ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội về ATLĐ, như: Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA8000 và WRAP; Hệ thống quản trị môi trường ISO 14000; Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe OHSAS 18001… Chính vì vậy, để bảo đảm ATLĐ, TS Phạm Thị Thúy Nga cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá CSR của Việt Nam dựa trên kinh nghiệm quốc tế, có tính toán điều kiện thực tế trong nước, xây dựng tổ chức đánh giá CSR độc lập và cấp chứng nhận thực hiện tốt CSR. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CSR trong lĩnh vực ATLĐ, lợi ích do thực hiện CSR đối với các DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.