Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn xác định công tác an toàn, vệ sinh lao động là việc làm thường xuyên, liên tục, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Năm 2024, thành phố xảy ra 37 vụ tai nạn lao động, trong đó có 27 vụ gây chết người, làm 31 người chết.
Nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng các biện pháp, phê duyệt phương án an toàn lao động. Công tác tuyên truyền, tập huấn không liên tục, không sát với công việc của người lao động. Việc quản lý, kiểm định, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động còn nhiều vi phạm. Các vụ tai nạn lao động đối với các khu vực không theo hợp đồng lao động gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp chưa được xử lý nghiêm, chủ yếu dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính. Việc thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động của các cấp, ngành chưa thường xuyên...
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 31-12-2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 394/KH-UBND về việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2025. Theo đó, thành phố yêu cầu 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cao mất an toàn lao động phải xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống dịch bệnh; hằng năm, trung bình giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trên địa bàn Thủ đô…
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND thành phố, ngay từ những ngày đầu năm 2025, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong tình hình mới, qua đó nâng cao ý thức bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động của các cơ quan, ban, ngành, chủ sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; điều tra, xử lý nghiêm và công khai các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản.
Các đơn vị, doanh nghiệp cần tổ chức tốt các hoạt động đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, chăm lo đời sống việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc, cũng như đời sống tinh thần của người lao động; thường xuyên tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình tốt về an toàn, vệ sinh lao động. Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo chuyên đề về an toàn, vệ sinh, lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.
Các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch, nội dung các hoạt động công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tập trung triển khai tại các khu vực làng nghề có nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động và người lao động không theo hợp đồng lao động trên địa bàn quản lý. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động.
Cùng với đó, các cấp Công đoàn cần làm tốt hơn nữa chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề an toàn, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.