(HNM) - Xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng (TCĐ) đi đôi với triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về tuyên truyền, kiện toàn mô hình, tổ chức, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên sẽ là chìa khóa để Đảng bộ TP Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho công tác phát triển TCĐ ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Cùng với đó cần quan tâm, theo dõi, phát hiện và tổng kết những mô hình hiệu quả.
Công ty TNHH Sông Công là doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức Đảng. |
Định vị tiêu chí đánh giá tổ chức Đảng
Không riêng ở Đảng bộ TP Hà Nội, công tác phát triển TCĐ, đoàn thể trong doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước đang gặp phải rào cản từ nhiều phía. Tại Thủ đô, dù có hơn 134.000 DN ngoài khu vực nhà nước được cấp phép hoạt động nhưng số có TCĐ mới là 758 DN. Có nhiều nguyên nhân khiến số TCĐ được thành lập trong DN còn ít, trong đó đáng nói là nhận thức của cấp ủy, chủ DN chưa đầy đủ; mô hình TCĐ, đoàn thể chưa đồng bộ, thống nhất trong khi thiếu các quy định cụ thể về thành lập, phát triển đảng viên, đặc biệt là thiếu các tiêu chí làm căn cứ cho TCĐ hoạt động.
Tại cuộc hội thảo nhằm tăng cường các giải pháp phát triển TCĐ trong DN ngoài khu vực nhà nước do Thành ủy Hà Nội tổ chức trung tuần tháng 8 vừa qua, các nhà tổ chức, nghiên cứu và cả chủ DN đều khẳng định, cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của TCĐ trong DN ngoài nhà nước. Theo đó, có 6 tiêu chí cơ bản đã được đưa ra thảo luận để đi tới thống nhất ban hành và thực thiện trong thời gian tới. Trong đó, tiêu chí quan trọng đầu tiên để đánh giá TCĐ trong DN ngoài khu vực nhà nước phải là lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tiếp đến là các tiêu chí: Lãnh đạo công tác tư tưởng; lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng TCĐ; lãnh đạo các đoàn thể chính trị-xã hội; học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, công tác xã hội. Sáu tiêu chí cơ bản này sẽ là cơ sở để các TCĐ soi vào đó thực hiện nhiệm vụ của mình, không còn lúng túng về phương thức hoạt động như trước đây, đồng thời cũng là căn cứ đánh giá TCĐ.
Cùng với xây dựng tiêu chí đánh giá TCĐ, Đảng bộ TP cần triển khai các giải pháp đồng bộ như, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động chủ DN chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ tác dụng của TCĐ, các đoàn thể trong DN. Để có cơ sở xây dựng, phát triển TCĐ trong từng DN, các cấp ủy phải khảo sát, đánh giá, phân loại DN theo đặc điểm, quy mô, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, số đảng viên hiện có để xây dựng phương thức hoạt động phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy các cấp cần tăng cường phối hợp để phát triển, hoàn thiện mô hình TCĐ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như ban hành chế độ cho cán bộ làm công tác Đảng tại các DN ngoài khu vực nhà nước. Hơn hết, bản thân mỗi TCĐ phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực sự khẳng định vai trò của mình trong DN.
Nhân lên những điểm sáng
Thực tế thời gian qua đã cho thấy có nhiều DN ngoài khu vực nhà nước sau khi thành lập TCĐ như được tiếp thêm sức mạnh để xây dựng, phát triển bền vững. Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực với 100% vốn tư nhân là một ví dụ. Chi bộ Đảng của DN được thành lập năm 2008 gồm 3 đảng viên (trực thuộc Đảng ủy khối Du lịch Hà Nội). Hơn 4 năm sau đã phát triển thành đảng bộ với 98 đảng viên sinh hoạt ở 7 chi bộ. Cùng với đó là sự ra đời của tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ. Với sự hoạt động đều tay của các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy đã giúp công ty tập hợp, đoàn kết người lao động, chung sức cùng DN vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền lợi của người lao động và DN.
Một điển hình khác là Chi bộ Công ty CP Thực phẩm Minh Dương (trực thuộc Huyện ủy Hoài Đức). Tại DN này, TCĐ đã góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp chủ DN định hướng điều hành theo đúng luật pháp. Từ 3 đảng viên, đến nay chi bộ có 25 đảng viên, từ một liên hiệp hợp tác xã đã trở thành DN cổ phần quy mô vừa chuyên sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động.
Ngoài ra, còn nhiều TCĐ đã đề ra được các biện pháp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và người lao động cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, quần chúng đề nghị chủ DN xem xét, giải quyết, hạn chế các vụ tranh chấp giữa chủ DN và người lao động. Nhiều TCĐ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đem lại lợi ích thiết thực cho DN. Từ đó, làm cho chủ DN thấy rõ vai trò, vị trí của TCĐ đối với sự phát triển của mình. Những mô hình TCĐ tiêu biểu này cần được nghiên cứu, tổng kết, qua đó phổ biến những cách làm hiệu quả. Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, thống nhất mô hình, tổ chức... thì đây chính là giải pháp thiết thực để đẩy nhanh công tác phát triển TCĐ và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng ở DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.